Sông Mã triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ở đàn vật nuôi

Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh gây hại cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Sông Mã diễn biến khá phức tạp, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, huyện đã tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế sự phát sinh và lây lan các mầm bệnh nguy hiểm khác.

Phun thuốc khử trùng tại chốt kiểm dịch xã Chiềng Khương (Sông Mã).

Ngay từ đầu năm, Sông Mã đã chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch phòng chống các loại dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ thú y các xã, bản; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn người dân các phương pháp vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi và thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho gia súc gia cầm; phun 1.171 lít thuốc tiêu độc khử trùng (tương đương 3.542m2) tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, hộ gia đình, các cơ sở giết mổ, chợ, nơi công cộng, các đường thôn, bản; tiêm hơn 75.000 liều vắc-xin phòng trừ các loại bệnh (tụ huyết trùng trâu, bò 60.860 liều, dịch tả lợn 14.230 liều); kiểm soát giết mổ trên 4.700 con gia súc.

Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, Sông Mã có 2 xã là Chiềng Khoong và Chiềng Sơ có lợn bị mắc bệnh, huyện đã nhanh chóng khoanh vùng để dập dịch; lập các chốt kiểm soát ra vào các xã có dịch; tập trung thu gom, xử lý tiêu hủy toàn bộ số lợn bị nhiễm bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện, bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng, Sông Mã đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, lập 3 chốt kiểm dịch vận chuyển gia súc tại Chiềng Khương, Bó Sinh và Chiềng Phung; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết về tác hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ lây nhiễm của chủng vi-rút trong đàn lợn; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh; không bán chạy những gia súc mắc bệnh; không thả rông gia súc; không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh bừa bãi); khi xảy ra dịch, phải báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường chăn nuôi, nguồn phát sinh dịch bệnh tới tận cơ sở, nhằm khống chế, dập tắt dịch bệnh, kiên quyết không để lây lan...

Được biết, Sông Mã hiện có gần 166 nghìn con gia súc, khoảng 1,2 triệu con gia cầm các loại; mỗi năm cung cấp khoảng 12 - 13 nghìn tấn thực phẩm ra thị trường, mang lại nguồn lợi không nhỏ cho người chăn nuôi, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương. Để tiếp tục phát triển mạnh đàn vật nuôi, Sông Mã đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường lực lượng cán bộ thú y xuống các xã, thị trấn hướng dẫn người dân thực hiện tốt việc phòng chống các loại dịch bệnh; kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng tại các khu chăn nuôi, các khu vực tập kết động vật, sản phẩm động vật, khu giết mổ gia súc, gia cầm...

Thời điểm này, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ luôn ở mức cao, sức đề kháng của các loại gia súc, gia cầm giảm sút, khả năng xảy ra các loại dịch bệnh là rất lớn, Sông Mã đã khẩn trương chỉ đạo những địa phương chăn nuôi gia súc, gia cầm nhiều như Mường Sai, Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Mường Lầm... tăng cường các biện pháp phòng chống và xử lý dịch bệnh cho đàn vật nuôi đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tiêm bổ sung các loại vắc-xin phòng bệnh, nhất là các loại vắc-xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò; tụ huyết trùng, dịch tả lợn, lợn tai xanh; cúm gia cầm; tập trung vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi... nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi, để chăn nuôi thực sự đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới