Sông Mã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc

Là địa phương có lợi thế về phát triển nông nghiệp, huyện Sông Mã đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò theo các mô hình trang trại, gia trại, HTX và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư mở rộng, thúc đẩy phát triển chăn nuôi.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của HTX Toàn Phát, bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã.

 

HTX toàn Phát, bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu, là mô hình điểm về nuôi bò nhốt chuồng của huyện. Anh Nguyễn Hồng Linh, Giám đốc HTX, chia sẻ: Hiện, khu chăn nuôi bò nhốt chuồng của HTX được xây dựng kiên cố với quy mô 3.000 m², chia thành 20 chuồng riêng biệt. Được hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, tháng 9/2020, HTX triển khai nuôi thí điểm 60 con bò giống lai sind, batman trên nền đệm lót sinh học. Khó khăn khi mới chăn nuôi bò sinh sản là các thành viên chưa có kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh. Giải quyết vấn đề này, HTX đã thuê bác sỹ thú y để vừa chăm sóc, vừa hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho các thành viên, người lao động của HTX. Đến nay, đàn bò của HTX đã tăng lên hơn 100 con, sinh sản được 15 con bê. Ngoài ra, HTX trồng 4,5 ha cỏ voi giống VA06 và cỏ voi xanh để chủ động nguồn thức ăn cho bò, trung bình mỗi ngày đàn bò của HTX tiêu thụ khoảng 3 tấn cỏ. Mục tiêu của HTX là tạo ra nguồn bê con đạt chất lượng, cung cấp cho bà con trong vùng phát triển chăn nuôi theo định hướng của huyện.

Chủ trương của huyện Sông Mã là căn cứ vào điều kiện thực tế ở mỗi xã để hình thành mô hình nuôi trâu, bò phù hợp. Tại xã Chiềng Khương, với nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, cùng với việc vận động người dân trồng cỏ để nuôi trâu, bò. Cấp ủy, chính quyền xã đã khuyến khích nuôi trâu, bò theo quy mô hộ gia đình, với tổng đàn hiện nay có trên 5.730 con trâu, bò. Ông Lưu Văn Cường, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Xã chỉ đạo các bộ phận chức năng, Ban quản lý các bản và người dân tăng cường thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh, tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục và tụ huyết trùng cho đàn trâu; tăng cường kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc ra vào địa bàn.

Những năm gần đây, gia đình ông Lò Văn Bình, bản Bó, xã Chiềng Khương đã chuyển từ nuôi bò thả rông sang nuôi nhốt chuồng, trung bình mỗi năm thu nhập từ 200-300 triệu đồng từ bán bò thịt và con giống. Ông Bình nói: Hiện đàn bò của gia đình có gần 20 con, ngoài phụ phẩm nông nghiệp thì gia đình tận dụng diện tích đất đồi, xung quanh vườn, ao để trồng cỏ, chủ động được nguồn thức ăn, nên đàn bò phát triển tốt.

Chủ động bảo vệ đàn vật nuôi, UBND huyện Sông Mã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi theo hướng an toàn, gắn với bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Huyện đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển đàn gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo hướng gia trại, trang trại; ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, ưu tiên phát triển loại mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa gắn công nghiệp chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của địa phương.

Đến nay, toàn huyện có trên 52.000 con bò, trên 12.200 con trâu. Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Sông Mã đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ cho người chăn nuôi bền vững, duy trì và mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới