Sông Đà mùa nước nổi

Từ cuối tháng 5, mực nước sông Đà đoạn chảy qua huyện Bắc Yên xuống rất thấp, khiến việc lưu thông bằng đường thủy của người dân các xã ven sông gặp nhiều khó khăn. Sau mấy tháng mùa mưa, đến trung tuần tháng 9, mực nước dâng lên, nhịp sống của người dân ven sông lại trở nên sôi động.

CSGT huyện Bắc Yên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.

Kể từ khi thủy điện Hòa Bình hoàn thành và đi vào hoạt động, dòng chảy trên sông Đà không còn xiết như trước. Vì vậy, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa các xã thuận lợi hơn, người dân các xã ven sông của huyện Bắc Yên từng bước thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp từ trồng lúa ở các bãi ngập ven sông sang nuôi cá, đánh bắt thủy sản. Một số khác đầu tư nghề đóng thuyền hoặc đi học nghề lái thuyền vận chuyển hành khách từ bến thuyền dưới chân cầu Tạ Khoa đi các xã, bản ven sông.

Tại bến thuyền xã Song Pe ngay phía dưới chân cầu Tạ Khoa, nước sông đã trong xanh hơn mấy tháng trước rất nhiều. Trước giờ thuyền xuất bến, chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh Hoàng Biên, bản Pắc Ngà, xã Pắc Ngà - người làm nghề chở hành khách trên sông nhiều năm. Anh Biên tâm sự: Khi nước sông xuống thấp, việc lái thuyền sẽ khó khăn hơn, bởi dòng chảy xiết, cũng có những hôm gió mạnh, khi lái thuyền phải lựa đường theo dòng nước để tránh các đợt sóng lớn. Thời gian đi từ bến Song Pe về xã Pắc Ngà mất khoảng 2,5 giờ đồng hồ, trong mỗi chuyến đi, chúng tôi luôn thận trọng, tập trung để đảm bảo an toàn cho hành khách. Nay nước lên, việc di chuyển thuận lợi hơn, thời gian của chuyến đi được rút ngắn hơn trước. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, không chỉ tôi mà tất cả những người hành nghề lái thuyền trên sông cũng đề nghị hành khách phải mặc áo phao và không ngồi trên lan can thuyền, bởi đi trên sông có nhiều tình huống diễn ra rất bất ngờ mà không ai có thể lường trước được.

Ngoài việc thuận lợi giao thông đường thủy, mùa nước nổi còn mang lại cho người dân các xã dọc sông nhiều nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, với mực nước sông Đà đoạn chảy qua huyện Bắc Yên không ổn định, nên việc nuôi cá lồng trên sông của người dân không hiệu quả cao như ở một số địa phương khác trong tỉnh. Song bà con nơi đây có thế mạnh về việc đánh bắt thủy sản. Mùa nước nổi là mùa thu hoạch chính của người dân ven sông, cũng vì thế, dòng đà giang tấp nập người dân giăng lưới đánh bắt tôm, cá.

Theo những người dân chài lưới, thời gian đánh bắt tôm, cá từ 2 giờ sáng. Sau khoảng 3-4 tiếng đồng hồ thả lưới trên sông, ngư dân kéo lưới thu cá và mang về bến thuyền bán cho thương lái. Cũng có nhiều người lại chọn thời điểm đánh cá vào khoảng 9-10 giờ sáng hoặc từ 5 giờ chiều. Ngư dân Mùi Văn Đức, bản Chanh, xã Song Pe, cho biết: Mỗi loại cá có thời gian đi ăn khác nhau. Vì vậy, muốn đánh bắt được loại cá nào thì sẽ chọn thời điểm thả lưới phù hợp. Tâm sự thêm về nghề đánh bắt thủy sản, anh Mùi Văn Đức chia sẻ: Thời điểm đánh bắt thủy sản thuận lợi và hiệu quả nhất là mùa nước lên. Khi nước lũ về mang theo rất nhiều tôm, cá từ các khúc sông phía trên về, như cá chép, cá nheo, cá măng, trắm đen... Tuy nhiên, mùa nước nổi năm nay, những mẻ tôm, cá mà tôi đánh bắt không được nhiều như mọi năm, do thời gian nước rút quá lâu, nước sông đục nên tôm, cá cũng không phát triển được như những năm trước.

Lòng hồ thủy điện Hòa Bình với hai mùa con nước đầy- vơi, cũng vì thế mang theo vui - buồn cho người dân ở những bản làng ven sông Đà thuộc huyện Bắc Yên. Thêm một mùa nước nổi, ngoài việc đi lại trên sông thuận lợi hơn, còn mang lại nguồn lợi thủy sản lớn, giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới