Sơn La tiềm năng, cơ hội đầu tư

Sơn La có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển kinh tế nhờ diện tích rộng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nguồn lao động trẻ và tiềm năng dồi dào từ hai dòng sông lớn là: sông Đà và sông Mã. Tận dụng các nguồn ưu đãi trên, tỉnh ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương.

 

Một góc trung tâm thành phố Sơn La hôm nay.

Tiềm năng lớn 

Với mảnh đất xinh đẹp, nơi miền Tây Bắc của Tổ quốc, Sơn La có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và khí hậu với diện tích tự nhiên lớn 14.174 km, dân số trên 1,2 triệu người, trong đó tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động gần 700.000 người, chiếm 57,73% tổng dân số; số lao động đã qua đào tạo chiếm 30%, tương đương 208.000 người. Hiện nay, tỉnh ta có 927.000 ha đất nông nghiệp với 2 cao nguyên rộng lớn nằm trên Quốc lộ 6 là Mộc Châu và Nà Sản, có khí hậu cận ôn đới với đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển chè, cây ăn quả, chăn nuôi bò sữa và những loại rau, hoa trái vụ, đã và đang được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư áp dụng sản xuất theo quy trình công nghệ cao. Với lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La có diện tích hơn 400 km2; trên 500 hồ đập công trình thủy lợi, 35 dòng suối lớn nhỏ và 2.500 ha ao, hồ để đầu tư phát triển thủy sản. Chưa kể, trong tỉnh còn có nhiều tiểu vùng khí hậu thích hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch.

Về lợi thế phát triển kinh tế, hệ thống giao thông kết nối Sơn La với các tỉnh trong vùng ngày càng được nâng cấp như: Quốc lộ 6 nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc; tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La đã được quy hoạch và chuẩn bị đầu tư tạo mạng lưới giao thông thuận lợi. Chưa kể, Sơn La còn có 2 cửa khẩu quốc gia là: Cửa khẩu Lóng Sập và Cửa khẩu Chiềng Khương kết nối với các tỉnh phía Bắc nước bạn Lào. Ngoài ra, nhắc đến Sơn La không thể không nhắc đến tiềm năng dồi dào về thủy điện. Do nằm ở vị trí thượng nguồn của sông Đà và sông Mã, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, nhiều thuận lợi nên tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển thủy điện. Đến nay, đã có 58 công trình thủy điện đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, trong đó có 38 công trình đã hoàn thành phát điện, 12 công trình đang thi công và 8 công trình đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai. Hiện nay, tỉnh ta đang tiếp tục khảo sát và thu hút đầu tư phát triển điện gió và điện mặt trời, nhất là trên lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình.

Nói đến Sơn La là nói đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: Rừng thông bản Áng, Núi Pha Luông, Thác Dải Yếm cùng với các hệ thống hang động kỳ thú như: Ngũ động bản Ôn, hang Dơi, hang Chi Đảy; các mó suối khoáng nóng: Bản Mòng, Ngọc Chiến; cánh đồng Mường Tấc, Nhà máy thủy điện Sơn La và vùng lòng hồ sông Đà kỳ vĩ; các di tích lịch sử: Văn bia Quế Lâm Ngự Chế (Đền thờ Vua Lê Thái Tông) và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La (Thành phố); khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào ở bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài (Yên Châu)... Cùng nhiều lễ hội đặc sắc của các dân tộc như: Hết Chá, Tu Su đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và nhiều sản phẩm nghề thủ công nổi tiếng. Đặc biệt, ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2050/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Những tiềm năng về thiên nhiên và bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cộng với con người bản địa mộc mạc, thân tình và vô cùng hiếu khách... đã và đang là những điều kiện, là lợi thế để xây dựng ngành du lịch Sơn La ngày càng phát triển.

Môi trường kinh doanh thuận lợi 

Để tận dụng tối đa tiềm năng, đưa địa phương tiếp tục phát triển, việc thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp là điều không thể thiếu. Với phương châm coi doanh nghiệp là khách hàng, đối tượng phục vụ, tỉnh ta đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, thực hiện nghiêm túc 10 cam kết đã ký với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đó, tỉnh cam kết giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, nhất là trong hoạt động đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đáng kể nhất là cam kết rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai đối với nhà đầu tư. Nhiều thủ tục đã được rút ngắn từ 1.400 ngày xuống dưới 100 ngày. Bên cạnh đó, việc thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh đã giúp toàn bộ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả ở các sở, ban, ngành tập trung tại một đầu mối. Mọi thông tin về tiến trình, thời gian giải quyết thủ tục hành chính đều công khai, minh bạch. Đến nay, 100% thủ tục hành chính được đưa ra thực hiện tại Trung tâm Hành chính công, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Khu biệt thự vườn Thảo Nguyên Resort Mộc Châu.

Tỉnh đã chỉ đạo thành lập và công khai đường dây nóng của các sở, ngành để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tập trung xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý, các sở, ban, ngành hỗ trợ bằng nhiều hình thức như trực tiếp, internet, điện thoại, tổ chức tập huấn... Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, vay vốn, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Bằng hàng loạt các giải pháp quyết liệt, từ năm 2003 đến nay, tỉnh ta đã thu hút gần 400 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, tỉnh ta đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 25 nhà đầu tư, với 28 dự án với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng; trao giấy cam kết đầu tư cho 17 nhà đầu tư, 19 dự án với tổng vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng và 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký gần 150 triệu USD. Trong đó, nhiều dự án đáng chú ý thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, điện, may mặc... Đây được coi là kỳ tích bởi cả số lượng, chất lượng dự án cũng như các lĩnh vực mà doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.100 doanh nghiệp đang hoạt động. Năm 2017, đã có hơn 200 doanh nghiệp đăng ký mới. Cả tỉnh hiện có 350 hợp tác xã và các nhà máy: Nhà máy mía đường Sơn La; Nhà máy tinh bột sắn Sơn La; Nhà máy may Phù Yên; Nhà máy sữa Mộc Châu; Nhà máy xi măng Mai Sơn... Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành Khu công nghiệp Mai Sơn; Cụm công nghiệp Thành phố; Cụm công nghiệp Mộc Châu; Cụm công nghiệp Phù Yên; Cụm công nghiệp Mường La; Cụm công nghiệp Quỳnh Nhai... thu hút được các tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh ta như: Tập đoàn Mường Thanh; Tập đoàn VinGroup; Tập đoàn TH; Tập đoàn cá tầm Việt Nam...

Tin rằng, khi các dự án trên được triển khai đúng tiến độ, bộ mặt của Sơn La sẽ có nhiều đổi thay.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới