Sơn La khát vọng phát triển: Kỳ 4: Tầm nhìn chiến lược

Sơn La đã và đang vươn lên mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, rõ nhất là nông nghiệp, nông thôn, nông dân; kết quả nổi bật là tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,46%/năm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, nhân lên khát vọng phát triển, phấn đấu mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

 

Ca sản xuất tại Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

Hai mục tiêu tầm cỡ vùng Tây Bắc

Kế thừa những thành quả nhiệm kỳ trước, ngày 21/1/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với 2 mục tiêu lớn là xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc vào năm 2025. Hai nghị quyết định hướng từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Nông nghiệp phát triển tạo vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho các nhà máy, là tiền đề cho công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp. Công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp của Sơn La là trụ đỡ, bao tiêu sản phẩm đầu ra, đảm bảo cho nông nghiệp phát triển. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, tăng thu ngân sách.

UBND tỉnh ban hành 10 kế hoạch, 6 đề án và thành lập Tổ công tác theo dõi, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, quyết tâm phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chiếm 20 - 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh phấn đấu xây dựng và hình thành 1 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có 8 vùng trở lên đủ điều kiện công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng cà phê Mai Sơn; vùng na Mai Sơn, vùng nhãn Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; vùng xoài Yên Châu, Mai Sơn; vùng mận Mộc Châu, vùng chè Mộc Châu, Vân Hồ, vùng rau an toàn Mộc Châu, Vân Hồ. Toàn tỉnh có 13.179 ha cây trồng VietGAP, GlobalGAP; 15.000 ha cà phê áp dụng 4C, UTZ; 186 ha cây trồng áp dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng; 5.378 ha cây trồng áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam hỗ trợ tỉnh tiêu thụ nông sản.

Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp. Nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với trên 50% các cơ sở chế biến hiện có. Hình thành tại các huyện, thành phố ít nhất 1 cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm nông sản chế biến tham gia xuất khẩu đạt 166 triệu USD, đến năm 2030 đạt trên 300 triệu USD.

Phát triển xanh, nhanh và bền vững

Một năm triển khai hai nghị quyết mang tính chiến lược đã có thêm nhiều kết quả tích cực, trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm nhiều vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến lớn (sữa, đường, chè, sắn, nước ép hoa quả…) của tỉnh. Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư Dự án Tổ hợp trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu quy mô 4.000 con bò sữa, đáp ứng sản xuất khoảng 20 triệu lít sữa tươi nguyên liệu mỗi năm, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng; Nhà máy chế biến nông sản tại cụm công nghiệp Mộc Châu; Nhà máy chế biến đường lỏng glucose BHL Sơn La tại Khu công nghiệp Mai Sơn... Cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm sản, thủy sản có sự chuyển dịch tích cực. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã đưa vào sản xuất các bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng, gồm: 4 giống mía, 19 giống ngô, 5 giống lúa, 20 giống cây ăn quả các loại...

Nông dân bản Cát, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu thu hoạch dứa.

Sơn La tiếp tục trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc và định hướng trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc. Sơn La có 21 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới; nhiều loại nông sản được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. Xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 241 mã số vùng trồng, với diện tích trên 4.700 ha, trong đó, 130 mã với trên 4.270 ha cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 51 mã số vùng trồng trên 430 ha cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ... Toàn tỉnh có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu.

Theo giáo sư Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp Việt Nam - người “Bạn của nhà nông”, cho rằng: Sơn La rất giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, du lịch. Tôi rất ấn tượng vì Sơn La đã chuyển mình rất nhanh nhờ chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc. Nhiều diện tích đất trồng ngô, sắn bạc màu, hiệu quả kinh tế thấp đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cho người dân thu nhập gấp nhiều lần. Giờ đây, tận dụng diện tích đất lâm nghiệp chưa thành rừng, đất bạc màu nhiều hộ dân ở vùng cao, biên giới của tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển trồng mắc ca. Đây là cây trồng triển vọng, là cây đi sau nhưng sẽ về trước và sẽ là cây làm giàu cho nhân dân trong tỉnh.

Sơn La còn đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp thông qua tổ chức các sự kiện du lịch gắn với trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp, như: Ngày hội hái quả, hội chè cao nguyên; ngày hội xoài (Yên Châu); nhãn (Sông Mã); cà phê (Mai Sơn), thiết kế các tour trải nghiệm tham quan vườn mận, đồi chè, hái xoài, nhãn và thưởng thức trái cây ngay tại vườn, trải nghiệm cuộc sống của những người nông dân đem đến những cảm nhận mới lạ cho du khách, góp phần khai thác hiệu quả thế mạnh nông sản của Sơn La. Mỗi một địa phương đều có những mô hình kinh tế, cách làm mới sáng tạo thu hút du khách trải nghiệm, như: Hái cam tại vườn cam xã Mường Thải, huyện Phù Yên, huyện Vân Hồ, huyện Mai Sơn; tham quan đồi chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi kết hợp với trải nghiệm thu hái, sao chè bằng tay của bà con dân tộc Mông tại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên; trải nghiệm mùa hoa sơn tra tại các bản vùng cao của xã Ngọc Chiến, huyện Mường La...

Tham dự Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tổ chức tại thành phố Sơn La, bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: Đoàn chúng tôi đã đi thăm quan một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu của Sơn La như: Mô hình trồng nho hạ đen, mô hình trồng na hoàng hậu, nhãn chín muộn... Chúng tôi thật sự ấn tượng về tiềm năng, lợi thế và những sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp của nông dân Sơn La, đây sẽ là những kinh nghiệm quý để nông dân Hà Tĩnh nghiên cứu, áp dụng.

Định hướng kiến tạo, phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện đã cho thấy với chủ trương đúng, trúng, hợp lòng dân, tỉnh Sơn La đã nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19 hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ những ý tưởng, khát vọng phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Sơn La trong tương lai, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong tương lai tỉnh Sơn La phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản hiện đại và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại có năng suất, chất lượng cao kết hợp với du lịch và là trung tâm chế biến sản phẩm nông sản của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; phấn đấu đến năm 2030 đưa tỉnh Sơn La trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; xây dựng thành phố Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; phấn đấu đến năm 2025 Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được công nhận là khu Khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc...

Khởi hành lô nhãn Sông Mã xuất khẩu sang EU và Vương quốc Anh.

Với tầm nhìn mang tính chiến lược là cơ sở để tỉnh Sơn La có những bứt phá mạnh mẽ toàn diện các lĩnh vực, nhất là hai mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc vào năm 2025 được các chuyên gia kinh tế đánh giá hoàn toàn khả thi. Bởi cách đây 5 năm, không ai nghĩ Sơn La có thể trồng được các loại cây ăn quả phong phú, càng không nghĩ là Sơn La có thể xuất khẩu được các loại quả đến nhiều thị trường trên thế giới, nhưng Sơn La đã biến điều không thể thành có thể.

(Còn nữa)

Sơn La khát vọng phát triển: Kỳ 5

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới