Sôi động công nghiệp Phù Yên

Phù Yên nổi tiếng với cánh đồng Mường Tấc lớn thứ 4 vùng Tây Bắc, là vựa lúa lớn nhất của tỉnh, bốn mùa gạo thơm, trái ngọt... Không chỉ vậy, Phù Yên bây giờ còn được biết đến với những sản phẩm công nghiệp phục vụ xuất khẩu.

Công nhân Công ty TNHH may Phù Yên trong ca sản xuất.

Thu hút đầu tư

Trước năm 2010, kinh tế của huyện Phù Yên vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cả địa bàn không hề có cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô nào, trừ một vài cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ... Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên phát triển công nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay, huyện đã tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Phù Yên được phê duyệt xây dựng 2 cụm công nghiệp Gia Phù và Quang Huy. Trong đó, cụm công nghiệp Gia Phù có quy hoạch chi tiết giai đoạn 1 hơn 28 ha; dù gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, một số dự án buộc tạm dừng hoặc thu hồi do nhà đầu tư không đủ năng lực... nhưng đến nay, cụm công nghiệp Gia Phù đã có Công ty TNHH may Phù Yên đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Còn cụm công nghiệp Quang Huy được quy hoạch quy mô 5 ha, Công ty cổ phần giầy Ngọc Hà đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giầy da xuất khẩu. Ngoài 2 cụm công nghiệp này, năm 2015, Công ty cổ phần Thành An cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel, công suất 3,6 triệu viên/năm tại xã Huy Thượng.

Phát triển sản xuất công nghiệp

Khởi đầu là năm 2010, Công ty cổ phần giầy Ngọc Hà đầu tư vào địa bàn. Sau khi thuê 1.000 m2 đất tại xã Huy Hạ, Công ty đã xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng công nhân, tổ chức đưa đi đào tạo nghề. Sau 2 năm xây dựng, lắp đặt thiết bị, hệ thống dây chuyền, đầu năm 2012, Công ty chính thức đi vào sản xuất giai đoạn 1. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, năm 2012, huyện Phù Yên tiếp tục bố trí 1,2 ha đất trong cụm công nghiệp Quang Huy cho doanh nghiệp; đồng thời, hỗ trợ san ủi mặt bằng, xây dựng hệ thống điện nước, hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân... hiện giờ, Công ty đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 2 cơ sở sản xuất: Xí nghiệp giầy Phù Yên 1 tại xã Huy Hạ, diện tích 2.600 m2 và Xí nghiệp giầy Phù Yên 2 trong cụm công nghiệp Quang Huy, diện tích 1,8 ha.

Công nhân Công ty TNHH may Phù Yên trong ca sản xuất.

Ông Bùi Mạnh Dũng, Giám đốc Xí nghiệp giầy Phù Yên 2 dẫn chúng tôi thăm khu nhà xưởng và giới thiệu từng công đoạn của dây chuyền sản xuất. Xí nghiệp có hệ thống 5 nhà xưởng, nhà kho được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ, thực hiện gia công mũi giầy, công suất 2,6 triệu sản phẩm/năm. Trong số này, khoảng 850.000 đôi giầy hoàn chỉnh, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Ca-na-đa và một số nước châu Âu. Với đặc thù sản xuất của ngành giầy da, 95% công nhân của đơn vị là nữ, nên ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về chế độ, chính sách đối với người lao động, Xí nghiệp còn quan tâm cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, bảo đảm thuận lợi, an toàn, nhất là công tác PCCC (đơn vị vừa nâng cấp hệ thống PCCC bán tự động sang tự động).

Công nhân Xí nghiệp giầy Phù Yên 2 kiểm tra sản phẩm giầy xuất khẩu.

Tại cụm công nghiệp Gia Phù, với chủ trương phát triển mở rộng sản xuất ở những vùng có nguồn lao động dồi dào, cùng với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, thủ tục nhanh gọn của tỉnh, lại không có vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách miễn giảm thuế và hỗ trợ đào tạo nghề của huyện, năm 2015, Công ty TNHH may Phù Yên đã đầu tư xây dựng nhà máy chuyên gia công hàng may mặc công suất 2 triệu sản phẩm/năm. Tháng 1/2016, nhà máy chính thức đi vào hoạt động, gồm xưởng may chính, nhà kho, nhà cơ khí, nhà ăn ca và các công trình phụ trợ, tất cả đều được lắp đặt hệ thống PCCC tự động. Ông Lê Xuân Phú, Phó phòng Kế hoạch - Tổ chức của Công ty cho hay: Các sản phẩm chính của đơn vị là hàng may mặc theo đơn đặt hàng của các ngành và xuất khẩu. Năm 2019, Công ty dự kiến đạt công suất 2 triệu sản phẩm, trong đó 70% được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nước châu Âu.

Công ty cổ phần Thành An Sơn La là doanh nghiệp đầu tư vào Phù Yên sau 2 doanh nghiệp nói trên, năm 2015, được huyện bố trí 4 ha đất tại xã Huy Thượng, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng xây dựng nhà máy gạch tuynel, với hệ thống dây chuyền tiên tiến, sử dụng công nghệ bán khô, công suất 35 triệu viên/năm, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Ông Nguyễn Quang Hải, Giám đốc Công ty thông tin thêm: Ưu điểm nổi bật của công nghệ này là sử dụng được các loại đất đồi lẫn đá, đất canh tác không hiệu quả để sản xuất các loại gạch, ngói chất lượng cao, vừa tiết kiệm chi phí lại bảo đảm môi trường. Ngoài sản xuất các sản phẩm gạch xây thông thường, đơn vị đang sản xuất thử nghiệm và đầu tháng 11 này sẽ chính thức đưa ra thị trường sản phẩm ngói cao cấp tráng men, công suất 4 triệu viên/năm.

“Ly nông” nhưng không “ly hương”

Việc huyện Phù Yên thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đã góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn. Đến nay, các cơ sở công nghiệp đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn, bảo đảm các chế độ, chính sách về tiền lương, thưởng và đóng các loại bảo hiểm theo quy định. Tính riêng 2 Xí nghiệp của Công ty cổ phần giầy Ngọc Hà đã tạo việc làm cho gần 2.500 lao động, hầu hết là thanh niên các dân tộc các xã, bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Theo lãnh đạo đơn vị, sau thời gian 3 tháng đào tạo, các công nhân đáp ứng tốt yêu cầu công việc, mức lương trung bình từ 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng, nhiều người hiện được giao giữ các vị trí quản đốc, phó quản đốc, ca trưởng và tổ trưởng sản xuất. Anh Lường Xuân Hương, ở bản Giáo, xã Huy Tân - một trong những công nhân đầu tiên của Xí nghiệp giầy Phù Yên 2 - hiện đang là quản đốc điều hành sản xuất, với mức lương 11 triệu đồng/tháng, anh Hương chia sẻ: Điều kiện làm việc tốt, thu nhập ổn định, hầu như các xã trên địa bàn đều có người làm công nhân tại đây, nhiều bản có tới 40-50 người.

Công ty cổ phần Thành An Sơn La đầu tư dây chuyền tiên tiến sản xuất gạch tuynel.

Còn tại Công ty TNHH may Phù Yên, hiện có 600 công nhân, thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng; ngoài chế độ ăn trưa tại Công ty, công nhân chuyên cần còn được thưởng 200.000/tháng, những công nhân ở xa hơn 30 km hằng tháng được hỗ trợ 200.000 đồng tiền xăng xe. Anh Sồng A Lồng, bản Suối Chèo, xã Suối Bau, làm việc tại bộ phận là quần áo gần 3 năm, công việc ổn định, thu nhập khá hơn rất nhiều so với ở nhà trồng ngô, sắn. Anh cũng đã xin cho vợ vào làm cùng Công ty, do nhà cách hơn 30 km, nên hai vợ chồng sáng sớm chở nhau đi làm bằng xe máy, tối mới về nhà, thu nhập của hai vợ chồng được gần chục triệu một tháng.

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, hướng đi đúng, hiệu quả trong phát triển kinh tế của Phù Yên. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán “ly nông” nhưng không “ly hương”, người nông dân đã thoát ly khỏi đồng ruộng và trở thành công nhân ngay trên chính mảnh đất của mình. Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được chia sẻ thông tin của ông Phạm Văn Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phù Yên: Với hơn 15.000 lao động nông thôn trên địa bàn huyện đang đi làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, đã góp phần hết sức quan trọng giảm áp lực về thiếu đất sản xuất, nhiều năm nay ở Phù Yên đã không còn tình trạng phá rừng làm nương.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới