Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập của người dân

Sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, 26 xã trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn; hệ thống hạ tầng nông thôn được củng cố, phát triển, nhất là giao thông nông thôn nội bản, tiểu khu; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển dịch tích cực, theo hướng hàng hóa; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, có sức lan tỏa nhanh, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Vườn nhãn của HTX An Phú, xã Chiềng Khương (Sông Mã) sản xuất theo quy trình VietGAP.   

Ảnh: P.V

Xã Cò Nòi (Mai Sơn) phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019 (hiện hoàn thành 16/19 tiêu chí). Trong giai đoạn nước rút, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã họp, thống nhất tổ chức “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới” tại các bản, tiểu khu; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo; các ban, ngành, đoàn thể xã tổ chức ký giao ước thực hiện một cách cụ thể, phù hợp, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, hội viên; mỗi thứ bảy hằng tuần, các bản đều tổ chức quét dọn đường sá, giữ cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp...

Còn xã Mường Chùm (Mường La) là một trong những xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2018, ông Quàng Văn Quân, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Đạt danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới đã khó, giữ được danh hiệu càng khó hơn. Chính vì vậy, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục thực hiện việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, tập trung nâng chuẩn các tiêu chí: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, môi trường, thu nhập đầu người, hộ nghèo. Cùng với đó, thực hiện việc giữ chuẩn đối với tiêu chí về an ninh trật tự xã hội và môi trường. Sau gần 1 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã có nhiều thay đổi, ý thức giữ vững chuẩn nông thôn mới của bà con được nâng cao, nhất là việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ý thức bảo vệ, tu sửa, nâng cấp đường ngõ bản; vệ sinh môi trường.

Đoàn viên thanh niên xã Cò Nòi (Mai Sơn) tham gia

chương trình "Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới".

Với mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã đạt 10 tiêu chí, bình quân 13,5 tiêu chí/xã và 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh ta đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu của cư dân nông thôn, như: giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu thể thao...; bảo đảm thu nhập tăng 1,8 lần (bình quân 30 triệu đồng/người khu vực nông thôn); 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; đáp ứng cơ bản các dịch vụ thiết yếu: Giao thương hàng hóa, thông tin, giáo dục, y tế, văn hóa; giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn. Giai đoạn 2011-2019, toàn tỉnh đã huy động 76.496 tỷ đồng phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; nhiều cơ chế, chính sách đột phá về chuyển dịch cơ cấu sản xuất gắn với tái cơ cấu sản xuất được ban hành. Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng nông thôn được củng cố và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều vùng nông sản tập trung phục vụ chế biến, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến hết năm 2018, ngoài 26 xã của 11 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 10,32 tiêu chí/xã, tăng 8,71 tiêu chí so với năm 2010, tốc độ tăng bình quân 1,09 tiêu chí/xã/năm; số xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí giảm 182 xã, xóa 18 xã không đạt tiêu chí nào; đã tổ chức thi công trên 4.400 tuyến đường giao thông nông thôn, giá trị nhân dân đóng góp (đất đai, tài sản trên đất, tiền của, ngày công lao động) trị giá trên 677,5 tỷ đồng (chiếm 67,8% kinh phí huy động); thu nhập bình quân trên 36 triệu đồng/người/năm.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa; gắn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với quy chế dân chủ, tăng cường phân cấp cho cơ sở, chủ động lập kế hoạch, điều hành quản lý các chương trình. Đồng thời, triển khai đồng bộ các chương trình, đề án và chương trình phát triển kinh tế trọng điểm; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân nông thôn một cách bền vững.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới