Sắc màu vùng cao Hang Chú

Tự chọn hành trình lên các xã vùng cao huyện Bắc Yên để có được những trải nghiệm mới lạ, chúng tôi khăn gói tư trang nhằm hướng xã Hang Chú lên đường. Dù chỉ mới xuất phát, tôi đã mường tượng được thưởng ngoạn cảnh sắc núi rừng, thưởng thức những món đặc sản vùng cao chẳng nơi nào có, rồi ngả lưng trong căn nhà gỗ của đồng bào dân tộc Mông yên tĩnh giữa đại ngàn... ai nấy đều thấy phấn khích.

 

Đồng bào dân tộc Mông xã Hang Chú (Bắc Yên) chơi các trò chơi dân gian mỗi độ Tết đến xuân về.

Không phải lần đầu tiên đến Hang Chú, nhưng chuyến đi lần này ai cũng háo hức, bởi thời điểm này, chúng tôi sẽ được trải nghiệm các hoạt động vui xuân, đón Tết của bà con đồng bào Mông nơi đây. Từ trên một ngọn đồi cao, phóng tầm mắt xuống dưới, bản Phình Hồ hiện ra tựa một bức tranh thủy mặc. Những nếp nhà nhỏ nằm lọt giữa bạt ngàn cây rừng, đây đó những sợi khói lam mỏng manh đan xen với mây trắng, tiếng suối ngàn hòa cùng tiếng cười đùa của những người dân đi chơi tết, không gian rừng núi bỗng thêm sống động. Hít căng lồng ngực khí trời tươi mát cùng mùi cây cỏ tự nhiên khiến những mỏi mệt suốt chặng đường dài bỗng tan đi nhanh chóng. Tất nhiên, chẳng ai muốn dừng tay ghi vào ống kính sự mới lạ, tinh khôi của cảnh vật và con người vùng cao trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

Khi chúng tôi đến được trung tâm xã Hang Chú thì trời đã nhá nhem tối, sau một hồi loay hoay “làm công tác dân vận”, cả đoàn xin ngủ lại một gia đình người địa phương gần đó. Chủ nhà là chị Mùa Thị Dông, rất thân thiện và mến khách, thết đãi chúng tôi những món ăn vùng cao: Gà đen, rau cải luộc, cá suối nướng, bánh dày nướng cùng rượu thóc thơm nồng... hương vị thơm ngon, đặc sắc khác hẳn những món ẩm thực chúng tôi từng thưởng thức. Trong tiết trời se lạnh, bên bếp lửa hồng, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông; những câu chuyện ly kỳ, thần bí, hấp dẫn về bãi đá cổ Khe Hổ, hòn đá thờ Mùa Chống Lầu... Sau bữa cơm, chúng tôi ngả lưng trên những tấm đệm bông lau vừa êm ái vừa ấm áp, đắp lên mình tấm chăn thổ cẩm được thêu tay tỷ mỉ. Về khuya, xung quanh chỉ còn róc rách tiếng suối chảy, tiếng lách tách khúc củi cháy, gió đại ngàn rì rào, khiến chúng tôi có được cảm giác bình yên rất lạ, cuốn mọi người vào giấc ngủ sâu.

Tiếng gà gáy sớm, cùng tiếng nhạc du dương đánh thức chúng tôi. Ăn vội bữa sáng, rồi tất cả vội vàng lên đường để tranh thủ thưởng ngoạn phong cảnh và tìm hiểu nét độc đáo tết cổ truyền của đồng bào nơi đây. Cơn mưa ban sáng vừa đi qua làm cho không khí dường như lạnh hơn, làn mây trắng bồng bềnh ấp ôm những ngọn núi, khiến phong cảnh càng thêm thơ mộng. Những con đường đi đến các bản giờ đã được đổ bê-tông dẫn tới từng nhà, hầu như trước cửa nhà nào cũng có cây đào thân mốc trắng, bung nụ hồng khoe sắc. Phía trung tâm xã, tiếng nhạc từ bộ loa đang phát những bài hát về mùa xuân. Bà con bảo, hôm nay xã tổ chức ngày hội văn hóa chào mừng năm mới, theo bà con, chúng tôi nhanh chân cùng về trụ sở xã.

Càng lúc càng thêm đông, người lớn, trẻ nhỏ đều mặc trang phục dân tộc truyền thống, những đồng xu ở trên những bộ quần áo va vào nhau khi họ di chuyển tạo tiếng leng keng vui tai; các em nhỏ được mẹ địu trên lưng hai má với chóp mũi ửng hồng vì lạnh, miệng bi bô với những người xung quanh. Thấy chị Dông chủ nhà gần đó, chúng tôi ngỏ ý mượn chị bộ trang phục truyền thống để trải nghiệm, chị vui vẻ đồng ý ngay. Chúng tôi được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ được các “nghệ sỹ không chuyên” biểu diễn từ múa hát, kịch, biểu diễn nhạc cụ dân tộc như khèn, sáo... Song song phần thi văn nghệ, các vận động viên thi đấu đẩy gậy, bắn nỏ, tu lu. Với chúng tôi, ấn tượng nhất là phần thi trình diễn trang phục dân tộc. Các diễn viên lần lượt trình diễn những bộ trang phục truyền thống và cách tân trên nền nhạc và có cả thuyết trình về những bộ quần áo làm từ sợi lanh, sự khéo léo, tỷ mỷ của chị em phụ nữ, so sánh sự khác biệt, cải biên giữa trang phục xưa và nay... Du khách được hòa mình vào ngày hội với người dân, ai nấy đều phấn khởi, không giấu nổi cảm xúc. Chị Trần Thu Hà, đến từ Hà Nội phấn khởi: Nhận lời mời của một người bạn là giáo viên vùng cao, đây là lần đầu tiên tôi tham gia trải nghiệm Tết của đồng bào dân tộc Mông. Tôi chưa từng tưởng tượng là lại vui, độc đáo như thế này. Bà con người Mông rất mến khách, thân thiện.

Được biết, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông là hoạt động thường niên của Hang Chú mỗi dịp xuân về, không chỉ cổ vũ, động viên bà con hăng hái lao động sản xuất, mà còn góp phần giữ gìn, phát huy những nét bản sắc dân tộc; cũng là dịp để các xã giáp ranh, như: Pắc Ngà, Xím Vàng (Bắc Yên), Chiềng Công (Mường La), bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) giao lưu, gặp gỡ, tăng thêm tình đoàn kết. Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú Mùa Páo Tủa cho chúng tôi biết thêm: Điểm khác biệt so với những năm trước là ngoài hoạt động văn nghệ, các diễn viên trình diễn trang phục dân tộc nguyên bản và cải biên, xã còn phân công chuẩn bị một số bộ trang phục truyền thống, tạo điều kiện cho các du khách được trải nghiệm, hiểu thêm về nét văn hóa cũng như góp phần quảng bá nét đặc trưng, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Hang Chú đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Trở về thành phố sau một ngày trải nghiệm, ấn tượng sâu sắc về vùng đất giàu bản sắc văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, con người Hàng Chú giản dị, chân thành, khiến chúng tôi biết chắc, vùng đất này sẽ còn “kéo” chúng tôi trở lại nhiều lần nữa.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới