Rượu dâu tây ở bản Xuân Quế

Có lẽ chưa ai từng nghe tới rượu dâu tây, nhưng chị Trần Thị Vân Nhung tại bản Xuân Quế, xã Cò Nòi (Mai Sơn) lại đam mê tìm tòi nghiên cứu để chế biến, chưng cất được rượu dâu tây, hướng đến sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Vợ chồng chị Trần Thị Vân Nhung chưng cất mẻ rượu dâu tây mới.

5 năm trở lại đây, một số hộ dân ở xã Cò Nòi (Mai Sơn) đã trồng dâu tây. Giống dâu tây New Zealand có giá thành lên đến 200 nghìn đồng/1kg. Tuy nhiên khách hàng thường lựa chọn mua loại quả to, còn quả nhỏ không bán được. Chị Nhung cho biết: Gia đình có 2 ha dâu tây giống từ New Zealand, số lượng quả dâu bị loại bỏ nhiều. Tiếc của, chị liền nghĩ quả dâu có vị chua ngọt, thơm rất có thể ủ nấu được rượu. Lần đầu, tôi thử ngâm dâu với rượu, sau 3 ngày, đã thấy dâu lên men, đem chưng cất rượu, nhưng không thành công. Lần thứ 2, tôi ủ dâu với loại men rượu thông thường và nấu thử, cho ra rượu nhưng lại mất đi mùi thơm tự nhiên của dâu. Tôi nghĩ: Nếu dâu đã lên men tốt như vậy thì chắc chắn phải có cách nấu để giữ được nguyên mùi vị của dâu. Vợ chồng về Yên Châu để tìm hiểu cách nấu rượu chuối, tuy nhiên cách ủ chuối với men rượu không áp dụng được. Không chịu thất bại, tôi thử ngâm dâu với đường, khi kiểm tra thấy dâu lên men rất tốt và vẫn giữ mùi thơm, nấu thử thì thấy rượu thơm mùi đặc trưng của dâu, lại không nồng như những loại rượu thủ công khác. Rượu được chưng cất trên 40 độ càng có vị thơm ngon đặc biệt.

Những lít rượu đầu tiên đưa cho mọi người nếm thử đều nhận xét là rượu rất ngon, có vị thơm ngọt của dâu tây và đặc biệt là không bị đau đầu. Để hướng đến một sản phẩm chất lượng và an toàn, chị đã gửi số rượu này đến Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La và Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh (Sở Y tế Sơn La) để kiểm nghiệm. Kết quả đánh giá, đều đạt chuẩn, hoàn toàn không có hàm lượng anđehit. Mặc dù theo cách ủ dâu và chưng cất theo phương pháp thủ công, lượng rượu sản xuất ra chưa nhiều, đặc biệt là giá 250 nghìn đồng/lít nhưng nhiều khách hàng đã biết tìm đến đặt hàng. Theo tính toán của chị, nếu đầu tư và được cấp tem thì có thể bán với giá 400 nghìn đồng/lít.

Chị Nhung đã làm hồ sơ gửi về Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để đăng ký bản quyền, dự kiến đến tháng 8 năm nay sẽ có kết quả. Khi đó, gia đình chị sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng thêm 5 ha trồng dâu để cung cấp nguyên liệu và đầu tư công nghệ nấu rượu bằng điện để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng đến xây dựng thương hiệu, mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trên địa bàn tỉnh ta, hiện có các địa phương trồng dâu tây, như: Mộc Châu, Mai Sơn, Vân Hồ... Bên cạnh việc bán dâu thương phẩm, phục vụ du lịch thì có thể để sản xuất rượu. Đây cũng là hướng đi mới, trong khi trên thị trường có nhiều loại rượu chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới