Quỳnh Nhai tạo bước đột phá cho nông nghiệp

Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ; cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã chuyển dịch theo hướng tích cực; giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác ngày càng tăng, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đây là tiền quan trọng để Quỳnh Nhai trở thành huyện đầu tiên của tỉnh phấn đấu cán đích nông thôn mới vào năm 2025.

                                 

Kiểm tra dứa sau trồng tại xã Mường Giôn.

           

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Giai đoạn 2008-2020, huyện đã huy động trên 1.238 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, ngân sách Trung ương trên 745 tỷ đồng, ngân sách tỉnh, huyện trên 493 tỷ đồng. Huyện tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho hộ dân; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh, tăng vụ. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng, tiêu biểu, như: Trồng cây mắc ca tại xã Mường Chiên và Chiềng Khay; trồng cam V2 tại xã Nặm Ét; gạo nếp tan tại xã Chiềng Khoang; sa nhân tại xã Mường Giàng; trồng xoài, dứa tại các xã Chiềng Ơn, Mường Sại và Mường Giôn; trà cỏ ngọt của HTX Thảo Mộc, xã Mường Giàng. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đang được xây dựng, phát triển thành sản phẩm OCOP.

           

Phát huy tiềm năng vùng lòng hồ rộng thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai đã tuyên truyền, vận động người dân đầu tư lồng nuôi cá theo chuỗi liên kết. Đến nay, toàn huyện có 46 HTX thủy sản, 6.786 lồng cá, sản lượng cá nuôi 10 tháng qua đạt hơn 1.240 tấn, giá trị thu nhập bình quân đạt 20-30 triệu đồng/lồng/năm. Hiện, có 10 HTX và 1 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận thương hiệu “Cá sông Đà” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp phép.

  Huyện đã thu hút Tập đoàn Mavin đầu tư Dự án Tổ hợp nuôi trồng và chế biến thủy sản. Trong đó, xã Chiềng Ơn được khảo sát là một trong những địa điểm triển khai khu nuôi trồng thủy sản và khu ương cá giống. Kỳ vọng Dự án sớm triển khai theo hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân khi toàn xã hiện có 1.309 lồng cá và có tới 10 HTX thủy sản. Đồng thời, xã Chiềng Ơn đã vận động hộ dân chuyển đổi hàng chục ha đất trồng cây hoa màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dứa cung cấp cho Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La.

  Chị Lò Thị Thiên, bản Đán Đăm, xã Chiềng Ơn, vui mừng: Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao đã hỗ trợ gia đình tôi chuyển đổi 4.000 m² đất trồng cây hoa màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dứa nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Tham gia mô hình, ngoài được huyện hỗ trợ cây giống, cán bộ kỹ thuật của công ty xuống tận nơi tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc dứa nên diện tích dứa sinh trưởng, phát triển tốt. Chỉ vài tháng nữa, vườn dứa sẽ cho thu hoạch, nếu 1 ha dứa chăm sóc tốt, mỗi năm sẽ cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

           

Cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dứa cho người dân bản Đán Đăm, xã Chiềng Ơn.

Ngoài những mô hình sản xuất truyền thống, Quỳnh Nhai đã có thêm nhiều mô hình kinh tế mới, như: Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, nuôi cá tầm, hươu sao, ngựa bạch, trồng dứa nguyên liệu đã và đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân vùng lòng hồ sông Đà. Toàn huyện có 69 HTX; trong đó, có 47 HTX thủy sản, 22 HTX nông nghiệp, tổng hợp khác. Giá trị sản xuất lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 482,9 tỷ đồng năm 2008 lên 640,5 tỷ đồng năm 2020, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 32% năm 2008 xuống còn 14,66% vào năm 2020. Đến nay, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã; có 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn hành 3/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Bám sát quy hoạch phát triển nông nghiệp của huyện, xã Mường Giôn đã chủ động rà soát, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Lò Văn Đỉa, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Ban đầu, với 2 mô hình trồng cây ăn quả bưởi, xoài (1ha/mô hình) ứng dụng công nghệ tưới ẩm và tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel do huyện triển khai, thực hiện hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế. Đến nay, người dân đã học theo nhân rộng mô hình, nâng diện tích cây ăn quả toàn xã lên gần 200 ha và 50 ha dứa nguyên liệu; 5 mô hình nông lâm kết hợp, có 70 hộ tham gia, với quy mô gần 20 ha do Dự án Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bền vững phối hợp triển khai đã và đang được nhân rộng. Ngoài ra, đàn vật nuôi phát triển, trên 8.300 con gia súc, 51.800 con gia cầm; xã lựa chọn đăng ký 4 sản phẩm OCOP, gồm: Nếp pỏm, trám đen, chuối tiêu cấy mô, vịt cổ xanh.

           

Tạo bước đột phá cho nông nghiệp, huyện Quỳnh Nhai đang tiếp tục huy động nguồn lực, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; trọng tâm phát triển thủy sản và những cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng xã và quy hoạch chung của tỉnh, huyện. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 1.500 ha cây ăn quả lâu năm; 2.500 ha dứa, 1.400 ha cây dược liệu dưới tán rừng; 127.000 con gia súc, 366.000 con gia cầm; 2.000 tấn thủy sản, góp phần đưa huyện Quỳnh Nhai đạt huyện nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới