Quỳnh Nhai phát triển chăn nuôi gia súc

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển chăn nuôi gia súc, thời gian qua, huyện Quỳnh Nhai đã tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt, gắn với trồng cỏ, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.

 

 

Nông dân xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) phát triển chăn nuôi gia súc.

 

Xác định chăn nuôi gia súc là một trong những thế mạnh của địa phương, Quỳnh Nhai đã lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình dự án hỗ trợ về con giống, làm chuồng trại cho người dân. Trong giai đoạn 2015-2020, từ Chương trình 30a, Chương trình 135, huyện đã hỗ trợ hơn 4.300 con bò sinh sản, 485 con dê, hỗ trợ làm chuồng trại gần 5.000 hộ. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; tư vấn, hướng dẫn nhân dân cách làm chuồng trại, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây ngô, đậu tương...làm thức ăn. Đến nay, số bò sinh ra từ các thế hệ bò giống được Nhà nước hỗ trợ đã có trên 6.500 con, xuất bán ra thị trường 6.000 con. Hiện toàn huyện có  hơn 12.000 con trâu, gần 24.000 con bò và hơn 15.000 con dê; người dân còn duy trì 580 ha cỏ voi, phục vụ chăn nuôi... Ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 54,2% năm 2011 xuống còn 9,25% năm 2019.

 

Là xã thuần nông, nên việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao để cải thiện cuộc sống của người dân thời gian qua luôn được cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Khoang quan tâm. Trao đổi với ông Lò Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã, được biết: Năm 2011, xã được huyện triển khai mô hình nuôi bò nhốt chuồng theo Chương trình 30a, giai đoạn 2011-2020, được hỗ trợ 1.693 con bò cái sinh sản, 853 hộ được hỗ trợ làm chuồng trại, với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng, đây là điều kiện cho người dân tập trung phát triển chăn nuôi. Để đàn bò phát triển theo hướng bền vững, xã vận động nhân dân trồng cỏ voi, chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt gắn với bảo vệ môi trường. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh; tư vấn, hướng dẫn nhân dân sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương làm chuồng trại. Đến nay, toàn xã có gần 4.000 con trâu, bò, trồng gần 140 ha cỏ voi; 100% số hộ đã đưa gia súc ra khỏi gầm sàn...

 

Còn tại xã Mường Sại, ngoài khai thác mặt nước phát triển nuôi cá lồng, thì chăn nuôi gia súc cũng được xã quan tâm thực hiện tốt. Giai đoạn 2016-2020 thông qua Chương trình 30a, nhân dân trong xã được hỗ trợ 421 con bò giống,78 con dê; gần 1.600 lượt người tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật. Nhờ đó, nhiều hộ có thu nhập cao từ chăn nuôi. Anh Lù Văn Tám, bản Búa Bon 1, cho biết: Trước đây, chăn nuôi gia súc chủ yếu là thả rông, ít quan tâm đến phòng bệnh nên gia súc hay bị bệnh, chết. Qua tuyên tuyền, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông tôi đã chú trọng tiêm vắcxin định kỳ 2 lần/năm; chuyển sang nuôi nhốt gắn với trồng cỏ voi, tích trữ rơm rạ sau mỗi vụ gặt. Hiện nay, gia đình tôi duy trì nuôi gần 20 con cả trâu và bò, trung bình mỗi năm bán thu gần 100 triệu đồng. Có vốn từ chăn nuôi, gia đình tôi đầu tư mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa; tổng thu nhập cả năm đạt gần 200 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống gia đình ổn định hơn.

 

Thời gian tới, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cải tạo con giống; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức nhốt chuồng gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, tạo điều kiện để các hộ gia đình tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô, phát triển bền vững hơn.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới