Quán tự giác

Nghe tiếng chặt đẽo kì cạch ngoài cổng, bà Thong vội chạy ra. Ông Hoàn đang dựng một cái lều nhỏ lợp mái gianh ngay ven đường. Bà ngạc nhiên:

- Ông làm cái lều ngoài này làm gì?

           

Ông Hoàn tủm tỉm:

           

- Vườn nhà mình mùa này nhiều hoa quả, không ăn hết để nó rụng thì phí của. Dạo này dịch bệnh, ngày nào chẳng có những đoàn người từ các công ty trở về quê đi qua đây. Tôi làm cái quán tự giác, mọi người về qua ai muốn ăn thì tự vào lấy, tự trả tiền vào cái giỏ để sẵn, vừa an toàn cho mình, lại tiện lợi cho khách. Bà có nhớ không, nhờ cái quán tự giác ngày đó mà tôi mới lấy được bà đấy.

           

Quán tự giác.

Ảnh: Minh họa

           

Bà Thong bỗng bần thần. Bà nhìn ông bồi hồi nhớ lại ngày xưa, cái ngày đã qua mấy chục năm, giờ như thước phim tua chậm lại...

           

Ngày ấy, ông Hoàn là công nhân lái xe cho một cung giao thông ngay dưới chân dốc Chiềng Đông. Con đường đi làm của đội hàng ngày phải vượt qua con đèo Chiềng Đông vừa dài vừa dốc. Ngày đó đèo heo hút, toàn rừng là rừng, thỉnh thoảng mới gặp một vài ngôi nhà sàn của người Thái bên lưng núi. Ven đường lác đác một vài cái lều nhỏ lợp gianh bên trong để vài nải chuối, rọ xoài, đào mèo hay túm ốc bắt từ ao. Đó là những quán tự giác. Gọi là quán tự giác vì người chủ không ngồi đấy bán. Đồ cứ bày ra, bên cạnh để cái giỏ có nắp, ai muốn mua gì thì tự lấy, áng xem món mình lấy khoảng bao nhiêu thì tự bỏ tiền vào cái giỏ để bên cạnh. Tối người chủ đi nương sẽ ghé vào lấy về.

           

Đội công nhân cầu đường năm ấy, từ quê lên, ai cũng nghèo. Sáng đi làm chỉ ăn qua quýt củ khoai, củ sắn, chưa được nửa buổi đã đói meo. Vì vậy, mỗi lần đi qua những quán như thế, Hoàn lại dừng xe cho mấy anh công nhân nhảy ào từ trên thùng xuống ăn cam, ăn quýt, nhưng “quên” không trả tiền.

           

Cho đến một buổi, cả đội đứng lặng trên thùng xe khi tận mắt chứng kiến một cụ già tóc đã bạc phơ, đang từng bước gánh hai buồng chuối chín đem lên cái quán tự giác bày bán. Đợi cụ đi khuất, Hoàn lấy một hào đem để vào giỏ, thấy vậy, mọi người trên thùng xe cũng góp vào mỗi người dăm ba xu thả vào. Từ hôm đó, không ai dám ghé vào những quán tự giác khi không có tiền. Riêng cái quán của cụ già, lần nào đi qua, Hoàn cũng dừng lại. Theo phân công, mỗi người mua giúp cụ một lần. Thỉnh thoảng đội làm đường gần đó, tranh thủ lúc mọi người xúc đất lên xe, Hoàn tìm đến nhà cụ già chơi. Cụ có cô cháu gái út vừa xinh vừa dịu hiền. Cô út ấy là Thong, vợ ông Hoàn bây giờ.          

*

Đời sống ngày một khấm khá, nhưng các quán ven đường giờ đều có người bán hàng. Trong  tâm khảm ông Hoàn vẫn nung nấu làm lại cái quán tự giác bên đường, như thuở xưa và hôm nay ông bắt tay vào làm cái quán ông mơ ước.

           

Từ hôm dựng lên cái quán tự giác, ngày nào ông Hoàn cũng ra vườn thật sớm hái ít trái cây, có hôm đánh mấy con cá để trong cái chậu đặt vào quán với sự hào hứng và thú vị.

           

Ngày đầu tiên, ngày thứ hai, hoa quả để héo mà chẳng ai ngó ngàng. Cũng có hôm những thứ bày ra hết sạch nhưng ngó vào giỏ chẳng có đồng nào. Nhưng ông không nản. Chắc ai đó cũng không có tiền giống ông ngày xưa nên mới lấy hoặc có khi họ “quên” không trả tiền. Ông vẫn đều đặn hái quả, bắt cá, có khi đem cả trứng gà ra bày bán.

           

...Rồi lác đác cũng có người mua và trả tiền vào giỏ. Dù số tiền không nhiều, nhưng ông Hoàn thấy hào hứng hẳn. Buổi tối, ông đứng ngẩn ngơ hàng giờ bên cái quán để sống lại những hồi ức xa xưa.

           

Không lâu sau, quán của ông bỗng đắt hàng một cách bất ngờ. Ông bày ra thứ gì thì chiều về ghé vào, cũng đã bán hết, mà không bao giờ khách quên trả tiền. Số tiền khách để lại còn cao hơn cả số tiền ông định bán. Cứ đều đặn như thế gần một tháng trời. Có điều lạ là số tiền ngày nào cũng từng ấy, chỉ hôm nào bán thêm con gà, con cá thì mới tăng lên. Hình như khách mua hàng chỉ là một người. Ông thắc mắc là ai? Có khi nào là một trong số những công nhân cùng đội của ông ngày xưa? Phải bí mật theo dõi xem, còn cám ơn họ một câu, nếu là đồng nghiệp cũ thì mời vào trang trại uống với nhau chén rượu.

           

Sáng nay, ông Hoàn đem mấy chùm nhãn và buồng chuối vừa chín đặt vào trong quán rồi đi ra vườn cây. Nhưng đi được nửa đường ông quay lại, bí mật đứng nép vào gốc cây đối diện quán chờ đợi. Ông  không tin vào mắt mình! Bà Thong, sau một hồi ngó nghiêng, không thấy ai thì lấy tiền nhét vội vào cái giỏ rồi xách cả chuối cả nhãn mau mải đi nhanh về phía chợ. Sau một khoảnh khắc đứng thần ra vì xúc động, ông lặng lẽ đi theo bà.

           

Bà Thong đi đến hàng hoa quả của cô Mai cùng xóm ở cuối chợ. Đưa tất cả số đồ vừa lấy cho chủ quán, bà thẽ thọt: Mai tôi đi thăm cháu mấy hôm cô ạ. Cô giúp tôi, cứ độ tám giờ cô đến cái quán ấy, để vào từng này  tiền... Nếu ông ấy bán thêm gà hay cá thì để từng này tiền... Cô đem bán cho tôi, thiếu bao nhiêu về tôi bù sau nhá...

           

Nấp sau cái ô tô đỗ ngay cạnh, ông Hoàn đã nghe trọn cuộc nói chuyện...

           

Sáng hôm sau, ông Hoàn dậy sớm. Ông ra vườn bẻ một ếp đầy nào nhãn, ổi, chuối. Chia ra một nửa để bà Thong đem đi làm quà cho cháu, một nửa ông bày ra cái quán tự giác như mọi lần.

           

Khi bà Thong đi ra cổng để đón xe, nhìn vào cái quán, bà ngạc nhiên tưởng mình nhìn nhầm. Cái biển “Quán tự giác” đã được ông Hoàn tháo xuống, thay vào đó là cái biển mới tinh với hàng chữ “Quán không đồng”.

           

Bà nhìn ông, đang định hỏi thì ông đã tủm tỉm:

           

- Tôi thay cái biển này để bà xuống thăm các cháu còn yên tâm và để từ nay, bà không phải vất vả vì tôi nữa...

           

Bà Thong nhìn chồng nghẹn ngào... Hình như có giọt sương đêm từ trên mái gianh lăn xuống rơi vào mắt bà...

Truyện ngắn: Kiều Duy Khánh (Yên Châu)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới