Quan tâm việc làm cho lao động hồi hương

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến đời sống, hoạt động kinh doanh sản xuất của người lao động và các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng. Nhất là những lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh trở về địa phương bị mất việc làm, cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương trong tỉnh tích cực vào cuộc tạo việc làm cho lao động hồi hương ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội.

Nỗ lực ổn định cuộc sống

Anh Giàng A Vàng, bản Kim Bon, xã Kim Bon, huyện Phù Yên, là lao động mới trở về địa phương, chia sẻ: Trước đây, tôi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, mỗi tháng được 7-8 triệu đồng. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tôi trở về quê từ giữa tháng 7/2021 và đầu tư chăn nuôi gia súc hàng hóa. Xã đã cử cán bộ thú y xuống hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. 

Người lao động bản Suối Bương, xã Kim Bon, huyện Phù Yên chăm sóc khu đất chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp.

Để ổn định cuộc sống sau khi trở về từ khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang vào tháng 7/2021, anh Giàng A Chính, bản Phiêng Phụ, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn đã vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH để đầu tư chăn nuôi. Anh Chính thông tin: Làm công nhân ở Bắc Giang có thu nhập ổn định, nhưng cũng phải trang trải tiền thuê nhà, sinh hoạt phí hàng ngày và các khoản chi khác. Trở về quê nhà, tôi được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi để mua 2 con bò giống và làm chuồng chăn nuôi.

Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 116.000 lao động đi làm việc ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có trên 63.000 lao động trở về địa phương (hơn 3.600 lao động đã trở lại tiếp tục làm việc các tỉnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát). Số lao động đã trở về địa phương có nhu cầu tìm kiếm công việc có thu nhập để ổn định đời sống khá lớn. Theo đó, số lao động này được chia thành 2 nhóm: Người có nhu cầu tìm việc làm tại địa phương, không tiếp tục đi làm ăn xa nữa và nhóm có nhu cầu tìm việc làm tạm thời trước khi trở lại các tỉnh làm việc. Các ngành chức năng, các cấp chính quyền cùng người dân trong tỉnh đã chung tay hỗ trợ, giới thiệu việc làm phù hợp với nhu cầu của hai nhóm lao động hồi hương.

Tích cực hỗ trợ người lao động hồi hương

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68, 116 của Chính phủ và Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh, ổn định đời sống cho người lao động. Tính đến ngày 15/12/2021, trên địa bàn tỉnh có 74.485 đối tượng được hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 93 tỷ đồng. Cùng với đó, nhiệm vụ tìm việc làm cho những công dân hồi hương cũng đang tích cực được triển khai.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Giải quyết việc làm cho những lao động trở về đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai với nhiều giải pháp. Trong đó, quan tâm tạo điều kiện cho công dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ tìm việc làm; tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để ổn định sản xuất, đời sống trên chính quê hương của mình. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Do đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã và đang tăng cường kết nối cung - cầu lao động với các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh giúp người lao động trong tỉnh có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống. 

Người lao động làm ăn xa xã Tường Thượng, huyện Phù Yên được hỗ trợ vốn mua bò giống.

Trên cơ sở nhu cầu của người lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động, để tạo việc làm cho số lao động đã trở về địa phương. Trong đó, doanh nghiệp ngoại tỉnh trên 50.000 lao động, các doanh nghiệp trong tỉnh hơn 700 lao động, để tiếp tục đưa lao động của tỉnh đi làm việc trong thời gian tới. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài tỉnh tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm và tuyển chọn lao động.

Phù Yên là địa phương có số lao động đi làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp trên cả nước nhiều nhất trong tỉnh. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hết năm 2021, toàn huyện có gần 20.000 lao động đi làm công nhân tại các tỉnh trở về địa phương. Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện cơ bản được kiểm soát, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện tổ chức rà soát, thống kê số lao động có nguyện vọng được tạo việc làm tại địa phương và số lao động có dự định trở lại làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Hỗ trợ người lao động trở về địa phương tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.

Ông Cầm Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, thông tin: UBND huyện sẽ lập danh sách đề nghị với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn xem xét tạo điều kiện cho người dân được vay vốn ưu đãi, với mức 50 triệu đồng/hộ. Đồng thời, hàng năm dành khoảng 1 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng CSXH, trong đó quan tâm nhóm lao động đi làm ăn xa trở về địa phương.

Theo ông Phạm Đức Huynh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường La, chia sẻ: Mường La có trên 9.000 lao động đi làm ăn ở các tỉnh trở về địa phương. Phòng đã tham mưu với huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường chuyển giao kỹ thuật sản xuất, giúp các lao động trở về phát triển sản xuất trên mảnh đất vốn có của gia đình. Cuối tháng 12/2021, Phòng đã tham mưu với huyện tổ chức Hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Bảo Sơn; các doanh nghiệp ngoài tỉnh, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; thảo luận những chính sách ưu đãi và yêu cầu cơ bản từ phía nhà tuyển dụng…, giúp người lao động có cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp.

Thay cho lời kết

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, tuyển sinh, đào tạo, tổ chức dạy nghề cho lao động thường xuyên phải tạm dừng, do vậy việc kết nối cung - cầu lao động cũng gặp khó khăn. Các công dân trở về thường là hộ nghèo, nên thiếu vốn đầu tư sản xuất. Vì vậy, nhiệm vụ tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho những lao động từ các tỉnh trở về địa phương đang tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh tích cực tìm cách tháo gỡ và có chính sách phù hợp với từng nhóm lao động, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau vì đại dịch Covid-19. 

Nông dân xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi với lao động đi làm xa trở về địa phương.

Các ngành chức năng cần tham mưu với tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp ở nông thôn, nhằm tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức, các phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất. Tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho người lao động hồi hương có nhu cầu vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống trên chính quê hương của mình. 

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới