Quan tâm khuyến nông cho đồng bào vùng khó khăn

Thời gian qua, các chương trình khuyến nông được Trạm Khuyến nông huyện Mai Sơn quan tâm triển khai hiệu quả, nhất là hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ vào sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất từ quảng canh sang thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập.

Trạm Khuyến nông huyện Mai Sơn hướng dẫn nhân dân trồng bưởi da xanh

tại bản Xà Cành, xã Phiêng Pằn (Mai Sơn). Ảnh: Mạnh Hùng

 

Địa bàn huyện Mai Sơn trải rộng, trình độ dân trí không đồng đều cũng như trình độ sản xuất giữa vùng thấp và vùng cao khá chênh lệch nhau. Ở những nơi vùng cao như Chiềng Nơi, Phiêng Cằm, Phiêng Pằn... sản xuất còn manh mún, chủ yếu trồng ngô, sắn năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Do vậy, Trạm Khuyến nông huyện xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng. Thông qua các hình thức phong phú, như: Tổ chức tập huấn, tư vấn, hướng dẫn sản xuất theo mùa vụ, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông, thăm quan, hội thảo, xây dựng các mô hình trình diễn... để nông dân dễ hiểu, dễ áp dụng. Trong đó, chú trọng tập huấn hiện trường theo cách “cầm tay chỉ việc”, hội thảo đầu bờ; chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật gắn sản xuất với tiêu thụ, kết hợp với tuyên truyền, khuyến khích nông dân tham gia vào quá trình nhân diện những mô hình khuyến nông hiệu quả. Trong năm 2017, Trạm đã tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ, khoa học kỹ thuật cho hơn 10.380 lượt nông dân; tư vấn, hướng dẫn sản xuất theo mùa vụ cho 21.570 lượt người; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông được 96 buổi, với 3.900 hội viên tham gia; tổ chức 4 cuộc thăm quan tự nguyện cho 230 lượt nông dân, 16 hội thảo với 1.510 lượt người tham gia... Nội dung chủ yếu về kỹ thuật trồng cây ăn quả trên đất dốc; kỹ thuật canh tác lúa cải tiến theo phương pháp SRI; trồng rau theo hướng VietGAP; kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi...

Cùng với triển khai thực hiện các chương trình, mô hình khuyến nông theo hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện còn tham mưu với UBND huyện bố trí kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp của huyện để xây dựng hàng chục mô hình mỗi năm. Năm qua, Trạm cũng đã xây dựng 114 mô hình tự nguyện, với 1.088 hộ thực hiện nhằm nhân diện các mô hình khuyến nông đã thành công từ các năm trước và thực hiện các mô hình giống mới có hiệu quả kinh tế. Hầu hết các mô hình đều phát triển tốt, bước đầu cho thấy hiệu quả, được nông dân áp dụng và nhân rộng, như mô hình thâm canh lúa theo phương pháp SRI, đã nhân rộng 808 ha vụ xuân và vụ mùa trên địa bàn 18 xã của huyện, với năng suất lúa Nếp 98 đạt 10 tấn/ha, TBR225 đạt 8 tấn/ha, BC 15 đạt 7,5 tấn/ha; mô hình sản xuất rau an toàn, cải tạo vườn cây ăn quả bằng phương pháp ghép mắt... Qua đó, đã giúp cho các hộ thay đổi tập quán sản xuất cũ sang sản xuất theo đúng khoa học kỹ thuật, giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, tạo sản phẩm nông nghiệp sạch; nâng cao ý thức cho các hộ nông dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

Bên cạnh đó, còn cùng với nông dân kiểm tra, thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện phòng, chống sâu bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn nông dân sản xuất đúng khung thời vụ và hướng dẫn, tuyên truyền nông dân chăn nuôi thực hiện vệ sinh phòng dịch, tiêm phòng các loại vác xin theo định kỳ. Công tác tư vấn, dịch vụ theo nhu cầu của nông dân được quan tâm. Năm qua, đã cung ứng 13,49 tấn thóc giống; 21,8 tấn phân bón các loại; 20 gói men hoạt tính; 401 gói EMUNIV; 11,900 gói thuốc BVTV; 670 con gà giống; 3.900 kg giống cỏ; dịch vụ thụ tinh nhân tạo lợn được 139 con nái sinh sản.

Thực hiện phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, năm qua, Trạm đã xây dựng 5 mô hình hỗ trợ trồng bưởi da xanh, dong riềng, khoai sọ, mận hậu, sơn tra với tổng diện tích hơn 14 ha, với 34 hộ, tham gia tại xã Phiêng Cằm; xây dựng 3 mô hình trồng bơ xen canh cây cà phê, liên kết sản xuất và tiêu thụ nếp tan nhe, nuôi cá ao ở Mường Chanh với tổng diện tích 70 ha, với 400 hộ tham gia; mô hình trồng cây sơn tra tại xã Chiềng Nơi, quy mô 20 ha, 24 hộ tham gia. Đồng thời, kết hợp với tập huấn, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân trên địa bàn. Qua đánh giá, các mô hình đều phát triển tốt, giúp bà con nông dân vùng cao mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với điều kiện địa phương, mở ra hướng sản xuất mới, xóa thế độc canh trồng ngô, sắn.

Tiếp tục hướng về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Trạm Khuyến nông huyện Mai Sơn lồng ghép các chương trình, dự án khuyến nông, giúp nông dân sản xuất hiệu quả, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Minh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới