Quan tâm đầu tư cho môn thể thao xe đạp địa hình

Mới chính thức tham gia thi đấu tại Giải vô địch xe đạp địa hình toàn quốc và Vô địch trẻ xe đạp địa hình toàn quốc từ năm 2009, các VĐV môn xe đạp địa hình của Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh đã gặt hái được không ít thành công. Nhưng có một thực tế là phương tiện phục vụ luyện tập, thi đấu còn thiếu thốn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích của vận động viên.

 

Một buổi rèn luyện thể lực của vận động viên môn xe đạp địa hình.

 

Những thành tích ấn tượng

Huấn luyện viên môn xe đạp địa hình Lò Văn Bảo của Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh, thông tin: Nguồn vận động viên của môn này chủ yếu do giáo viên thể chất các trường THPT giới thiệu và lựa chọn qua giải điền kinh học sinh toàn tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, đội xe đạp địa hình của tỉnh đã mang về cho tỉnh nhà 17 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc và 15 Huy chương Đồng ở nội dung thi đường trường và đổ đèo tại các Giải vô địch xe đạp địa hình toàn quốc và Vô địch xe đạp địa hình trẻ toàn quốc, Giải xe đạp địa hình quốc tế. Đặc biệt, năm 2012, vận động viên Hà Thị Nga đã giành Huy chương Vàng Giải vô địch xe đạp địa hình châu Á được tổ chức tại Li - Băng. Qua các giải thi đấu, một số vận động viên xe đạp của tỉnh, như: vận động viên Lò Thị Chuyên, Quàng Thị Soan đã được lựa chọn vào đội tuyển xe đạp quốc gia; Lò Thị Tiến và Nguyễn Thị Lệ được bổ sung vào đội tuyển xe đạp địa hình trẻ quốc gia.

Hằng năm, Ban lãnh đạo Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh đặt ra mục tiêu giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng đối với Giải vô địch xe đạp địa hình toàn quốc; 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng đối với Giải vô địch xe đạp địa hình trẻ toàn quốc. Đặc biệt, Giải vô địch xe đạp địa hình toàn quốc và Vô địch xe đạp địa hình trẻ toàn quốc năm 2017, được tổ chức tại Hòa Bình đầu tháng 8 vừa qua, đoàn Sơn La giành vị trí thứ ba toàn đoàn trong số 10 đoàn tham gia, với 5 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.

Là vận động viên gắn bó với môn xe đạp địa hình ngay từ khi thành lập, vận động viên Quàng Thị Soan chia sẻ: Sau mỗi buổi tập, chúng tôi đều họp để đánh giá chất lượng buổi tập, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của từng vận động viên. Trên cơ sở đó, huấn luyện viên sẽ có giáo án luyện tập phù hợp, từng bước khắc phục nhược điểm, nâng cao kỹ thuật và chiến thuật. Được biết, từ năm 2009  đến nay, VĐV Soan đã giành được 7 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng tại các Giải vô địch xe đạp địa hình toàn quốc, Vô địch xe đạp địa hình trẻ toàn quốc, Giải xe đạp địa hình quốc tế và Giải vô địch xe đạp địa hình châu Á.

Bất cập về phương tiện thi đấu

Thành tích ấn tượng là vậy, song các vận động viên của tỉnh ta lại thiếu xe luyện tập và thi đấu, thậm chí đến sát giải mới đi mượn xe của các đơn vị tỉnh bạn để tham gia. Xe đạp địa hình là môn thể thao mạo hiểm, vận động viên thường phải thi đấu các nội dung đường trường, đường khó và đổ đèo. Tham gia nội dung đường trường, các vận động viên phải xuyên rừng, đường đất đá là chủ yếu; ở nội dung đổ đèo, vận động viên thi đấu trên đại hình phức tạp với đường độ dốc cao, vực sâu... Vậy nên, ngoài thể lực tốt, các vận động viên phải có kỹ thuật cao, kinh nghiệm xử lý tính huống trên đường đua, hiểu biết cặn kẽ các thông số kỹ thuật của xe. Vì mỗi loại xe có thông số, kỹ thuật khác nhau, nên VĐV phải thường xuyên sử dụng quen xe thì mới xử lý được tình huống cũng như bảo đảm an toàn trên đường đua. Tham gia Giải vô địch xe đạp địa hình toàn quốc và Vô địch xe đạp địa hình trẻ toàn quốc năm 2017, vận động viên Cà Thị Thơm tỏ ra tiếc nuối: Cũng vì cận kề ngày thi đấu mới mượn được xe nên em không thể thao tác thuần thục trong việc điều chỉnh các thông số, kỹ thuật của xe và không phát huy hết khả năng. 

Hiện nay, tỉnh ta có 7 vận động viên tham gia luyện tập và thi đấu môn xe đạp địa hình, nhưng phương tiện luyện tập lại chỉ có 4 xe đạp chuyên dụng (3 xe địa hình, một xe đổ đèo). Thiếu phương tiện, việc luyện tập của các vận động viên phải chia theo ca, nên ít có thời gian rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật xử lý tình huống trên đường đua, chiến thuật khi thi đấu. Vì thế, vận động viên không thể phát huy được hết khả năng cũng như sở trường. Để có xe phục vụ cho vận động viên luyện tập và thi đấu, Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện đều phải nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị khác về phương tiện.

Theo huấn luyện viên Lò Văn Bảo, một xe địa hình có giá từ 80-100 triệu đồng, còn xe đổ đèo có giá trên 150 triệu đồng. Điều đáng lo của môn xe đạp địa hình này là Đại hội thể dục thể thao toàn quốc sắp diễn ra (năm 2018), trong khi các vận động viên vẫn chưa được đầu tư phương tiện luyện tập và thi đấu. Do không có xe, nên các vận động viên đành tập trung... rèn luyện thể lực! Cũng do khó khăn về phương tiện tập luyện nên việc duy trì đội ngũ vận động viên kế cận cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Năm 2013, vận động viên Hà Thị Nga từng giành Huy chương Vàng tại Giải vô địch xe đạp địa hình trẻ châu Á tổ chức tại Li - Băng năm 2012 đã xin nghỉ.

Thay cho lời kết

Trao đổi với chúng tôi, ông Điêu Chính Quý, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh, cho biết: Môn thể thao xe đạp là một môn mũi nhọn, gặt hái nhiều thành tích cao về cho tỉnh. Nhưng khó khăn hiện nay là kinh phí đầu tư, mua xe đạp luyện tập và thi đấu, do giá thành của phương tiện khá cao. Trong số 4 xe Trung tâm được trang bị, thì 1 xe bị hỏng, chúng tôi vẫn nợ tiền đơn vị cung cấp 2 xe. Thiếu phương tiện luyện tập và thi đấu sẽ hạn chế rất lớn tới thành tích, chưa nói đến việc duy trì, phát triển cũng như “giữ chân” các nhân tài trong môn thể thao này. Trung tâm rất mong tỉnh quan tâm, cấp thêm kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị cho các môn thể thao thành tích cao, nhất là môn xe đạp địa hình. Đồng thời, đề nghị ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tích cực tham mưu cho tỉnh có cơ chế chính sách trong hoạt động xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tài trợ cho lĩnh vực thể dục thể thao, nhất là môn thể thao xe đạp địa hình tỉnh ta rất có tiềm năng, phát triển bền vững, xứng tầm là môn thể thao thế mạnh, trọng điểm của tỉnh và có chỗ đứng trên đấu trường thể thao quốc gia, quốc tế; khích lệ tinh thần thể thao của huấn luyện viên, vận động viên để họ yên tâm thi đấu, cống hiến cho sự nghiệp phát triển thể dục thể thao thành tích cao của tỉnh nhà.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới