Quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả - Thực trạng và giải pháp: Kỳ I: Thực trạng sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” kinh nghiệm đúc kết trong sản xuất nông nghiệp đã có từ lâu, trong đó, giống là một trong những yếu tố quan trọng, nhất là đối với cây ăn quả. Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu về giống cây ăn quả, hệ thống sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn tỉnh đã được hình thành và từng bước phát triển, cơ bản đáp ứng chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh. Tuy nhiên, khi cung không đủ cầu, thị trường sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả bắt đầu phát triển ồ ạt, tự phát, đang đặt ra những yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý Nhà nước.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn) tư vấn cho người dân cách lựa chọn cây giống.

 

Hệ lụy từ giống cây ăn quả trôi nổi

 

Giống cây ăn quả không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã để lại nhiều thiệt hại cho người nông dân. Điển hình, thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta, những giống chanh leo trôi nổi trên thị trường được một số đơn vị trên địa bàn tỉnh giả danh liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc cung ứng cho người dân không rõ nguồn gốc, khiến hàng trăm hộ dân trên địa bàn các huyện: Thuận Châu, Yên Châu, Thành phố, Mường La chịu tổn thất không nhỏ với con số lên đến hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói là một số đơn vị cung ứng giống đã lợi dụng sự cả tin của người dân với những cam kết, như: Mua cây giống được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Nhưng, sau khi bàn giao cây giống các đơn vị này “bặt vô âm tín”, bỏ người dân gánh chịu.

Đặc biệt, gần đây nhất, một số cá nhân lợi dụng chủ trương trồng cây ăn quả của tỉnh đã tuyên truyền, bán cây giống cho các hộ dân ở các bản: Phiêng Sầy, Co Trai, Nà Hạ của xã Hát Lót (Mai Sơn). Các hộ đã mua hàng nghìn cây giống, được giới thiệu là giống bưởi đỏ Luận Văn (giống cây đặc sản có nguồn gốc làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), không rõ nguồn gốc về trồng. Theo điều tra của phóng viên, chiêu trò của các đối tượng này là nhờ các trưởng bản, người có uy tín đứng ra giới thiệu, bán cây giống cho người dân. Ông Tòng Văn Hòa, Trưởng bản Phiêng Sầy, xã Hát Lót (Mai Sơn) kể lại: Khi người bán cây giống (không nhớ tên) đến bản, có xuất trình giấy giới thiệu có chữ ký của xã về giới thiệu bán cây giống cho bà con. Do tin tưởng “cấp trên giới thiệu” nên trưởng bản đã họp bản. Tại cuộc họp đã có gần 40 hộ đăng ký mua, nhà ít thì chục cây nhà nhiều lên tới 600 cây, với giá 30.000 đồng/cây. Khi bán cây giống cho các hộ, họ hứa sẽ hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật, cung ứng phân bón và bao tiêu sản phẩm, nhưng đến nay họ vẫn bặt vô âm tín.

Để tìm hiểu rõ về giống bưởi đỏ các hộ dân đang trồng, chúng tôi tới thăm vườn bưởi của gia đình anh Tòng Văn Tâm, bản Phiêng Sầy. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi, anh Tâm bảo: Hôm đó tôi đang đi làm thì nhận được điện thoại người thân gọi đến, hỏi có mua cây giống bưởi đỏ về trồng không và bảo rất nhiều nhà trong bản đăng ký mua. Nghe nói, giống bưởi chỉ sau 2 năm trồng sẽ cho thu hoạch, quả bưởi có giá trị cao, bán được từ 50.000 đồng đến 120.000 đồng/quả, ở Tân Lạc (Hòa Bình) nhiều hộ đã trồng giống bưởi này. Nghe vậy, tôi nghĩ Nhà nước đang triển khai mô hình cây trồng mới nên đăng ký mua 600 cây giống bưởi đỏ hết 18 triệu đồng về trồng trên đất trồng ngô, mía của gia đình. Sau gần 1 năm trồng, cây bưởi phát triển chậm, còi cọc, nhiều sâu bệnh, không thấy đơn vị cung ứng giống xuống tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng phân bón như đã hứa. Điều đáng lo nhất trong số những cây bưởi mới trồng, có khá nhiều cây bưởi cành phát triển có gai? Nhiều hộ không biết địa chỉ của người bán giống cho mình, thậm chí đến tên cũng không nắm được, nên đành chịu.

Cây giống bưởi đỏ Luận Văn không rõ nguồn gốc được trồng tại bản Phiêng Sầy, xã Hát Lót (Mai Sơn).

Thực tế qua tìm hiểu còn rất nhiều hộ dân từng điêu đứng vì việc mua phải giống cây không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Một trong số đó là hộ ông Lù Văn Quý, bản Pát, xã Chiềng Ngần (Thành phố). Nghe theo giới thiệu của một người bạn, ông đã về Mai Sơn mua 500 cây xoài thực sinh, với giá 3.000 đồng/cây về trồng trên đất trồng ngô, cà phê. Sau 5 năm trồng, vườn xoài đã bắt đầu ra hoa, đậu quả. Điều đáng nói ngoài xoài tròn, xoài hôi, rất nhiều cây cho quả xoài chua, năng suất, chất lượng kém và ông có ý định phá bỏ. May mắn cho gia đình ông được tư vấn kịp thời, những gốc xoài đã được ghép giống xoài da xanh nên đã cứu vãn được những thiệt hại.

 

Khi cung không đủ cầu

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 28 cơ sở có vườn ươm sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả; 22 cơ sở nhập, cung ứng giống cây ăn quả còn có hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống theo quy mô hộ gia đình, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu. Như vậy, có thể thấy hầu hết các giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh được cung ứng theo 2 hình thức: Tổ chức, cá nhân tự ươm giống hoặc nhập giống từ các tỉnh khác rồi cung ứng cho nông dân.

Theo Đề án phát triển cây ăn quả của tỉnh đến năm 2020, diện tích cây ăn quả đạt khoảng 100.000 ha (tăng gấp đôi so với hiện nay). Như vậy, giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh sẽ trồng mới 52.000 ha cây ăn quả, tương đương với nhu cầu giống cây ăn quả từ 21 đến 24 triệu cây. Bình quân mỗi năm cần khoảng từ 7 đến 8 triệu cây giống. Trong đó, cộng năng lực của 28 cơ sở có vườn ươm sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả trên địa bàn và 22 cơ sở kinh doanh cây giống chỉ có khả năng cung ứng được khoảng từ 5 đến 6 triệu cây giống/năm.

 Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu cùng cán bộ xã Co Mạ

kiểm tra vườn trồng giống chanh leo không rõ nguồn gốc.

Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người trồng cây ăn quả thiếu thông tin, tự tìm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả không đủ điều kiện để lựa chọn các loại giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Đây là khó khăn rất lớn cho những người làm công tác quản lý, giám sát và kiểm định chất lượng cây giống. Bởi thực tế hiện nay còn tồn tại không ít cơ sở sản xuất cây giống chưa có hoặc thiếu cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, nhiều cơ sở kinh doanh giống không có hồ sơ nguồn cây giống hay hồ sơ không rõ ràng, không có nhãn hàng hóa theo quy định.

Tìm hiểu thực tế, tại huyện Sông Mã, theo kế hoạch đến năm 2020, toàn huyện tiếp tục rà soát giảm hàng nghìn ha đất trồng ngô, cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên trên 7.900 ha, tăng 3.100 ha so với hiện nay. Như vậy, tính ra trung bình mỗi năm, huyện cần trên 1 triệu cây giống. Tuy nhiên, cộng cả 4 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả hiện có, năng lực sản xuất chỉ đạt trên 600.000 cây giống/năm. Với số cơ sở sản xuất, cây giống hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, còn lại các hộ phải đi mua cây giống ở địa phương khác? Tại huyện Thuận Châu, hiện chỉ có duy nhất HTX Thuận Sơn, tiểu khu 7, xã Tông Lạnh được cấp phép sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, với quy mô trên 1,3 ha, năng lực sản xuất chỉ đạt 800.000 cây giống. Điều đáng nói, danh mục cây giống đơn vị đăng ký chủ yếu là cây mơ, mận, sơn tra, trong khi nhu cầu về giống xoài, nhãn, các loại cây ăn quả có múi lại rất nhiều.

Từ câu chuyện giữa cung và cầu giống cây ăn quả cho thấy một thực trạng, đó là: Hiện nay, bên cạnh những cơ sở có vườm ươm sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả có chất lượng, còn tồn tại nhiều đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả vi phạm quy định. Điều đáng nói, những đơn vị này thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc hạn chế về thông tin của người dân; lợi dụng danh nghĩa, uy tín của các đơn vị, doanh nghiệp có thương hiệu; hoặc người có uy tín để tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia. Để tạo niềm tin, họ đều đưa ra những lời hứa hẹn, như: Cung ứng vật tư, cử người xuống tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, khi thu hoạch sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Nhưng mục đích của họ là bán cây giống để kiếm lời.

Trước thực trạng nêu trên đã và đang gây bức xúc cho người dân, cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong kỳ sau.

(còn nữa)

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới