Quản lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19

Cùng với triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 đã và đang được tỉnh ta quan tâm triển khai thực hiện.

 

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.

 

Là đơn vị tuyến đầu của tỉnh tiếp nhận, điều trị các trường hợp dương tính với SARS-COV-2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuẩn bị các thùng chứa chất thải chuyên dụng đặt tại khu điều trị cách ly. Tất cả chất thải phát sinh được phân thành 2 nhóm: Không tái sử dụng, như quần áo bảo hộ, mẫu bệnh phẩm, rác thải sinh hoạt của nhân viên y tế, người bệnh... thu gom, vận chuyển về khu xử lý chất thải y tế theo khung giờ cố định để xử lý; một số dụng cụ y tế có thể tái sử dụng được thu gom, khử khuẩn, tiệt khuẩn đúng quy định trước khi tiếp tục đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: Bệnh viện đã tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế về thu gom, xử lý chất thải nguy hại theo hướng dẫn của Bộ Y tế hướng về kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài xử lý chất thải y tế phát sinh tại Bệnh viện, đơn vị còn tiếp nhận xử lý chất thải của khu cách ly tập trung Trung đoàn 754. Vào thời gian cao điểm, đã xử lý 50kg/giờ chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19.

Còn tại khu cách ly tập trung của huyện Mộc Châu, rác thải sinh hoạt hàng ngày được thu gom riêng rồi khử khuẩn và giao cho Công ty cổ phần Môi trường và Đô thị - Chi nhánh Mộc Châu xử lý; rác thải nguy cơ lây nhiễm như khẩu trang, đồ bảo hộ, thu gom và tiêu hủy ngay trong ngày. Ông Khuất Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế Mộc Châu cho biết: Khó khăn hiện nay là chưa có kinh phí để mua sắm thùng lưu giữ, phân loại rác thải đúng chủng loại cho khu cách ly tập trung, trạm y tế các xã; năng lực xử lý chất thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đạt 35-65kg/giờ, nếu gia tăng nhiều ca mắc sẽ không đáp ứng được việc xử lý chất thải.

Toàn tỉnh hiện có 11 cụm xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, vì vậy, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng chất thải tại các khu điều trị và khu cách ly tăng cao sẽ không đáp ứng nhu cầu xử lý, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Trước thực tế trên, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến thu gom, phân loại rác thải ngay tại nơi phát sinh; chất thải đựng trong thùng chuyên dụng và có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-COV-2”. Khi vận chuyển chất thải đảm bảo đậy kín, không bị rò rỉ và xử lý ngay trong ngày. Ưu tiên áp dụng phương án xử lý chất thải theo mô hình cụm cơ sở y tế; nếu các cụm xử lý quá tải, không đáp ứng nhu cầu xử lý sẽ liên hệ với các cơ sở có chức năng xử lý chất thải nguy hại tại các tỉnh lân cận, như Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... để vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại.

Riêng ngành Y tế tiến hành rà soát hiện trạng, khối lượng chất thải phát sinh, chỉ đạo các cụm xử lý chất thải tiếp nhận, xử lý. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết khi có một trong các cụm xử lý chất thải quá tải; phối hợp với Sở Tài chính dự toán kinh phí phục vụ công tác xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19 tại các huyện, thành phố. Các cụm cơ sở y tế có năng lực xử lý chất thải xây dựng phương án tiếp nhận, xử lý chất thải, trường hợp quá tải báo cáo với Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương.

Cùng với đó, các huyện, thành phố xây dựng kịch bản xử lý chất thải đối với từng cấp độ dịch. Tuyên truyền các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà và tại cộng đồng thực hiện nghiêm việc thu gom, phân loại chất thải và vệ sinh phòng, chống dịch; trang bị thùng lưu giữ chất thải, bố trí phương tiện vận chuyển chất thải có nguy cơ lây nhiễm. Ký hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải thực hiện việc chuyển giao, giám sát, nghiệm thu khối lượng và thanh toán cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải tại khu cách ly tập trung, khu dân cư cách ly y tế trên địa bàn quản lý. Các cụm công nghiệp, doanh nghiệp đôn đốc, hướng dẫn, kiểm soát công tác quản lý, xử lý chất thải phát sinh tại doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp có người lao động mắc COVID-19 phun khử khuẩn chất thải phát sinh trước khi chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý.

Với tinh thần không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị chu đáo các điều kiện phòng dịch, khoanh vùng, dập dịch, điều trị, thu gom và xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19, tin rằng tỉnh ta sẽ tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, phấn đấu không để dịch COVID-19 lây lan vào cộng đồng.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới