Dừng, đỗ ngay trên đường để chơi Pokemon gây mất an toàn giao thông.

Pokemon Go là một trò chơi (game) ảo sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS để vẽ bản đồ giống như bản đồ ngoài đời thực. Những Pokemon sẽ xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên bản đồ này, từ sân, bếp, phòng ngủ, sân trường, đường phố, công viên,... Đặc biệt, nơi mà chú Pokemon xuất hiện thường xuyên nhất là những địa điểm công cộng. Đây cũng chính là tính năng mà nhà sản xuất game đã lập trình cho trò chơi này.

Đối với người chơi đã cài đặt ứng dụng game Pokemon, mỗi khi tới những địa điểm mà chú Pokemon xuất hiện, ứng dụng và thiết bị sẽ gửi thông báo rung hoặc đèn nhấp nháy cảnh báo cho người chơi biết. Nhiệm vụ của người chơi là cầm theo điện thoại thông minh, máy tính bảng (có cài trò chơi và bật GPS) di chuyển tới điểm đó để săn bắt Pokemon.

Bạn Nguyễn Thanh Phương (sinh viên) cho biết: “Trò này rất vui, em thấy nó rất cuốn hút. Ngoài ra, trò chơi này cũng yêu cầu người chơi phải di chuyển rất nhiều nơi để bắt được những chú Pokemon. Qua đó, em cũng được đi lại nhiều nơi mà mình bình thường chưa đi tới.”

Cười vui vẻ khi nói về game Pokemon, bạn Quang Huy (Hàng Bông, Hà Nội) lại chia sẻ: “Chỉ là tò mò khi cài đặt trò chơi, tuy nhiên sau đó thì thấy rất thích thú và say sưa với trò chơi” - Huy chia sẻ. 

Do ban ngày đi làm nên không có nhiều thời gian để chơi game này, nên cứ đến tối là Huy mang máy tính bảng và đi cùng bạn bè tới một số khu vực công cộng như: hồ Hoàn Kiếm, tượng đài Lý Thái Tổ để cùng nhau tìm kiếm những chú Pokemon. Huy cho rằng. đây là một trò chơi cộng đồng khá hay. Trò chơi mang lại cho người chơi sự kiên nhẫn và tập trung cao. Tuy nhiên, Huy cũng cho biết một số hạn chế của trò chơi như: Việc tiêu tốn khá nhiều thời gian của người chơi, sự tập trung khi chơi dễ dẫn tới một số nguy hiểm cho người chơi như bị cướp giật, dễ xảy ra tai nạn nếu đang đi đường mà vẫn chơi.... Mặc dù biết nguy hiểm, nhưng chính bản thân Huy nhiều lần đang đi đường, khi thấy điện thoại rung cũng tìm cách đỗ lại để bắt chú Pokemon do quá ham mê trò chơi(?!).

Tuy được đánh giá là hấp dẫn, thu hút và thú vị nhưng xoay quanh trò chơi này không ít chuyện “không muốn có” cũng đã xảy ra. Mới đây nhất, tối ngày 8/8 tại công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, Q1 – TP. Hồ Chí Minh), trong khi mải mê nhìn màn hình điện thoại để tìm kiếm chú Pokemon, một bạn trẻ tại đây đã bị một đối tượng đi xe máy giật chiếc điện thoại ngay trên tay trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Rất may, ngay sau đó, đối tượng giật điện thoại này đã bị một số người dân quanh đó khống chế và đưa về công an phường sở tại giải quyết.

Bác Trần Thị Trúc Mai sống trên phố Hàng Khay, Hà Nội chia sẻ: “Tôi không biết là cái gì nhưng cứ ban ngày, rồi cả buổi tối, rất nhiều thanh niên đứng ngồi tụ tập phía bên kia hồ (Khu vực vỉa hè hồ Hoàn Kiếm đoạn Hàng Khay). Họ cứ mải mê nhìn vào điện thoại tìm kiếm gì đó. Đến khi hỏi con trai tôi thì mới biết đó là họ đang chơi game. Game gì không biết, nhưng đứng ngồi đầy cả vỉa hè, chưa kể có những người đang đi đường đến đoạn này cũng vội vàng dừng xe lại rồi rút điện thoại ra chơi. Vừa gây mất an toàn giao thông, vừa tạo ra hình ảnh không đẹp về văn minh đô thị. Có lần đang đi dạo bên hồ, có anh con trai cứ mải nhìn điện thoại đâm sầm vào tôi. Sau đó, anh này rối rít xin lỗi, mình thì đau mà cũng chẳng nỡ trách...”.

Khu vực công cộng như: Vườn hoa, công viên... là những nơi chú Pokemon thường xuất hiện, 
kéo theo sự có mặt của rất nhiều người chơi tại những khu vực này.

Trước thời điểm trò chơi Pokemon Go chính thức có mặt tại Việt Nam, ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng BKAV cho biết, trò này chưa được cung cấp chính thức tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thể tải về từ nguồn không chính thống trên internet. Chính vì thế đã xuất hiện game giả mạo khiến điện thoại thông minh của người dùng có thể bị tấn công. Phân tích một số ứng dụng Pokemon Go giả mạo, BKAV đã thấy xuất hiện loại mã độc có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị Android của người dùng.

“Cách thức phát tán mã độc là kẻ xấu chỉ cần tải file cài đặt ứng dụng Pokemon Go từ nhà sản xuất về, chèn thêm mã độc vào file mã nguồn của phần mềm. Việc này khá đơn giản nhờ sử dụng các công cụ được cung cấp phổ biến trên mạng. Phần mềm đã bị tiêm mã độc sau đó được tung lên internet với tên giống hệt phần mềm "xịn", và có thể hoạt động bình thường khi được tải về điện thoại. Do đó, người sử dụng không hề hay biết mình đã trở thành nạn nhân, ngay cả khi điện thoại đã bị kiểm soát từ xa” - ông Tuấn Anh nói.

Khẳng định hành vi sử dụng điện thoại di động chơi Pokemon Go khi đang lái xe là phạm luật, nguy hiểm cho người sử dụng và những người khác, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen này. 

Trước hiện tượng giới trẻ Việt Nam lên cơn sốt với Pokemon Go, chơi bất kỳ ở đâu kể cả khi đang lái xe, Trung tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn Luật, Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, trò chơi này rất nguy hiểm với người tham gia giao thông vì yêu cầu người dùng phải di chuyển.

Trả lời báo giới, Trung tá Tạ Thị Hồng Minh cho biết: “Pokemon Go hay bất kỳ trò chơi nào đều có hai mặt, tốt hay xấu phụ thuộc ở người dùng. Để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, người dân tuyệt đối không chơi khi đang điều khiển phương tiện".

Theo Đại úy Nguyễn Minh Đức - Đội phó Đội CSGT số 1, Phòng CSGT (PC67) Công an TP Hà Nội cho biết, đến sáng 10/8, quanh hồ Hoàn Kiếm có 23 trường hợp dừng đỗ sai quy định bị lập biên bản. Trong quá trình làm việc, chiến sỹ CSGT phát hiện nhiều người vi phạm đang chơi game Pokemon. Đại úy Nguyễn Minh Đức khuyến cáo, người chơi game Pokemon hết sức chú ý tới sự an toàn của bản thân, tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Ngoài ra, việc dừng đỗ trên đường cần thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn giao thông./.