Phong tục Tết “Căm Pứn” của đồng bào dân tộc Thái

Tết “Căm Pứn” của đồng bào dân tộc Thái trắng 2 bản Co Súc và Tà Lạc, thuộc xã Song Khủa, huyện Vân Hồ được lưu truyền, gìn giữ từ bao đời nay, mang đậm bản sắc dân tộc và có nguồn gốc sâu xa về tín ngưỡng của dân tộc Thái Song Khủa và một số xã lân cận.

                                       

Bữa cơm Tết “Căm Pứn”.

             

Theo lời kể lại của các cụ cao niên bản Tà Lạc, xã Song Khủa, phong tục Tết “Cằm Pứn” ở đây có từ rất lâu đời. Tương truyền, từ thời xa xưa, tộc người Thái mỗi khi có những sự kiện lớn trong bản, như chiến tranh hay thiên tai địch họa, mùa màng thất bát hoặc kết quả thu hoạch bội thu... Hàng năm, dân bản phân công nhau, tổ chức thành đoàn người thay phiên thực hiện nghĩa vụ (lên “chầu trời” báo cáo với thiên đình). Trước khi đi, các thành viên trong đoàn chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm đã được chế biến sẵn, với các món hoàn toàn là đồ khô để ăn đường. Người dân gọi là “Cằm Pứn”, nôm na là đi lên “Trên kia” và tục “Căm Pứn” tương tự như Tết “ông công, ông táo” của dân tộc Kinh. Dân tộc Thái nơi đây lấy ngày 30 tháng 8 (âm lịch) hằng năm là ngày tết truyền thống của dân tộc mình, họ quan niệm rằng Tết “Căm Pứn” là rất quan trọng, mang ý nghĩa tâm linh, nhằm tri ân những người ngày xưa lên “chầu trời” là những người có công với bản với mường.

             

Trước đây, đồng bào dân tộc Thái trắng cư trú rải rác ở các xã Quang Minh, Mường Tè, Tô Múa và Suối Bàng (Vân Hồ) cũng duy trì phong tục này, nhưng sau dần bị mai một, do nhiều yếu tố khách quan. Vài năm gần đây, Tết “Căm Pứn” được bà con 2 bản Cò Súc, bản Tà Lạc, xã Song Khủa và bản Nôn, bản Ngậm, xã Liên Hòa khôi phục và duy trì tổ chức thường niên.

             

 Để chuẩn bị Tết theo phong tục, với những mâm cỗ cúng tổ tiên đủ hương vị ngày Tết, trước đó các gia đình cắt lúa nếp mới vào chắc nhưng còn xanh đem về phơi khô, đập, giá thành gạo để làm “Khạu mạu” (gạo cốm); lên rừng lấy nhộng ong; ra sông, suối quăng chài thả lưới bắt cá, tôm... đem về sơ chế sấy khô để lên gác bếp. Ngoài ra, còn chuẩn bị gạo nếp mới, thực phẩm khô và tươi sống như thịt gà, lợn, cá... cùng với gia vị: Gừng, xả, ớt, muối tiêu, lá chua, hạt he, mắk khén, lá chuối, lá dong, lạt buộc...

             

Chiều ngày 30/8 (âm lịch), các hộ gia đình trong bản phân công nhau đồ xôi cơm mới, chế biến các món ăn. Tùy từng loại thực phẩm được chặt miếng nhỏ tẩm ướp gia vị trộn với gạo tấm, gói lại bằng lá chuối hoặc lá dong, buộc lạt thật chặt rồi xếp vào hông bằng gỗ đem đồ xôi. Tất cả đều là món ăn khô không có nước canh, với lý do: Đoàn người được cử lên “chầu trời” đi đường xa, do đó lương thực, thực phẩm ăn trên đường đi cần làm khô mang theo mới được nhiều. Sau khi bày đặt mâm cỗ dâng lên bàn thờ gia tiên, phải có thêm một túi vải “ruột ngựa” đựng gạo làm lộ phí và 2 cây mía làm gậy cho người được cử đi. Sau đó, chủ nhà khấn cáo với tổ tiên và tiếp tục thắp hương thờ hết đêm 30 sang sáng mồng 1/9 (âm lịch) mới thôi.

             

Sáng 1/9, mâm lễ được hạ xuống, chủ nhà mời anh em, bạn bè đến chung vui ăn uống. Trong buổi sáng hôm đó tuyệt đối không được nhóm bếp đốt lửa, nấu ăn. Theo quan niệm của người xưa, khói tỏa từ bếp lửa sẽ làm cho đoàn người lên “chầu trời”  không tìm thấy đường về.

             

Đến nay chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh về Tết “Căm Pứn”. Nhưng có thể hiểu nôm na là Tết báo công, tri ân tổ tiên, trở thành phong tục tập quán tốt đẹp chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ ngàn xưa truyền lại, mang tính  nhân văn cao cả. Tết “Căm Pứn” là nét văn hóa truyền thống của dân tộc cần được gìn giữ và phát triển.

             

Mùi Len (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới