Phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết

Năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 100 người mắc, trong đó hơn 80 người phải nhập viện, không có trường hợp tử vong. Nguyên nhân chính là công tác an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập và cần có những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu hơn.

Dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu Xuân, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao. Do vậy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu nhằm phòng, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, vì sức khỏe của nhân dân. Trước hết, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm  Chỉ thị số 09/CT-BCĐ ngày 25/12/2017 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018. Tăng cường truyền thông đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm; vệ sinh ăn uống; lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn; phòng, chống ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn, lạm dụng rượu.

Các cơ quan chức năng triển khai các phương án bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và các sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm như: Các chợ, trung tâm thương mại đầu mối; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tập trung trên địa bàn. Kết hợp lấy mẫu thực phẩm, ưu tiên xét nghiệm sớm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật...

Công khai các cơ sở vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm để cảnh báo cho cộng đồng; biểu dương và công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các cơ sở khám chữa bệnh cần có phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất; chủ động cấp cứu và điều trị, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn; tổ chức trực 24/24 giờ trong những ngày Tết và lễ hội.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về vấn đề an toàn thực phẩm, nâng cao sự hiểu biết của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người dân trong việc lựa chọn sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm theo 10 nguyên tắc vàng mà tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo.

Duy trì hệ thống giám sát, tiếp nhận, khai thác và xử lý thông tin cảnh báo về an toàn thực phẩm và sự cố an toàn thực phẩm từ các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý. Thường xuyên cung cấp thông tin cảnh báo về an toàn thực phẩm và sự cố an toàn thực phẩm một cách chính xác. Thông tin, phát hiện tình hình ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ cấp tỉnh tới cấp xã. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kịp thời điều tra khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

Khánh Minh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới