Phiêng Pằn nỗ lực giảm nghèo

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi về xã Phiêng Pằn (Mai Sơn) trên con đường nối liền qua các xã: Cò Nòi, Chiềng Lương đã được rải nhựa, uốn lượn quanh co theo các sườn núi, sườn đồi; hai bên đường phủ màu xanh mướt của những nương mía, vườn cây ăn quả.

 

Mô hình trồng bưởi da xanh trên đất dốc của HTX Phiêng Pằn.

 

Trung tâm xã Phiêng Pằn trong nắng sớm, cảm nhận đầu tiên về sự đổi thay nơi đây với nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng, trụ sở xã, trường học, trạm y tế... Phiêng Pằn là xã vùng cao biên giới của huyện Mai Sơn, có 6,4 km đường biên tiếp giáp với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Xã có diện tích tự nhiên hơn 11.600 ha, dân số gần 8.000 người, bà con sinh sống ở 19 bản, trong đó 13 bản người Xinh Mun và 6 bản người Mông. Những năm qua, cùng với triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Nhà nước, Phiêng Pằn đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa và tham gia bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới.

 

Trong lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ xã đã phân công các cán bộ đảng viên sinh hoạt ghép ở các chi bộ bản để thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ... Nhờ vậy, từ một xã thường xuyên đói giáp hạt, nay sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn xã đạt 42.560 tấn, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa tạo ra hàng hóa bán ra thị trường. Nổi bật về lĩnh vực sản xuất là từ năm 2017 tới nay, xã đã vận động bà con liên kết với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La trồng 320 ha mía nguyên liệu, sản lượng 19.200 tấn/năm; trồng, thâm canh 31,6 ha cây cà phê, sản lượng hơn 250 tấn; gần 190 ha cây ăn quả; duy trì bảo vệ 7.707 ha rừng hiện còn. Ngoài ra, các hộ dân còn đầu tư nuôi gia súc tập trung, với 1.225 con trâu, 2.296 con bò, 2.115 con dê, 3.279 con lợn, 32.000 con gia cầm. Từ thực hiện chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp và cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, đã góp phần nâng mức thu nhập trong xã đạt 12,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2015.  Toàn xã có 84% số hộ được sử dụng điện, 90% số hộ được xem truyền hình.

 

Ông Lù A Dủa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm 2017 trở về trước, trên địa bàn xã Phiêng Pằn chưa có mô hình kinh tế hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện về khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu tập trung để liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, năm 2018, xã Phiêng Pằn đã khuyến khích, vận động người dân trên địa bàn tham gia thành lập hợp tác xã Phiêng Pằn với 15 thành viên, trồng 7 ha cây ăn quả và rau an toàn cung cấp cho các nhà trường để nấu ăn bán trú cho học sinh; thành lập hợp tác xã chanh leo hữu cơ 66628 với 7 thành viên, trồng 12 ha chanh leo cung cấp cho Công ty cổ phần Nafoots Tây Bắc. Từ mô hình liên kết sản xuất của 2 hợp tác xã, đã tạo tiền đề tốt để các hộ dân trên địa bàn tham quan, học tập và nhân rộng thêm các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

 

Anh Lò Văn Toán, bản Xa Cành, là thành viên hợp tác xã Phiêng Pằn nói: Được cán bộ xã tuyên truyền, hỗ trợ, gia đình tôi đã đầu tư hơn 3 triệu đồng lắp đặt hệ thống đường ống và béc phun nước trên diện tích 500 m2 để trồng rau màu, cung cấp cho các trường học bán trú trên địa bàn thông qua hợp tác xã. Năm 2019, tổng thu nhập từ vườn rau đạt 16 triệu đồng. Hiện nay, gia đình đang chuẩn bị đầu tư mở rộng diện tích trồng rau và chuyển đổi diện tích đất nương sang trồng 250 gốc bưởi da xanh.

 

Có được những đổi thay ở xã Phiêng Pằn như hôm nay là nhờ có chủ trương, sức mạnh đoàn kết, sự nhất trí, đồng lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã, tạo động lực để người dân vùng biên giới vững bước đi lên, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới