Phát triển nông nghiệp hữu cơ, hướng đi bền vững cho nông dân

Là nơi có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí địa lý, Mộc Châu luôn là địa phương triển khai nhanh và hiệu quả phương pháp phát triển nông nghiệp mới. Trong đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được huyện Mộc Châu triển khai thí điểm từ năm 2019, tại một số mô hình để đánh giá kết quả và hướng tới nhân rộng đến các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và các hộ gia đình trên địa bàn.

 

 

HTX rau an toàn bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu) thực hiện thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

 

Nông nghiệp hữu cơ được hiểu là sản xuất nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi. Nói cách khác, đây là hình thức phát triển nông nghiệp hướng đến sự an toàn, vì sức khỏe con người và sự ổn định của môi trường sinh thái. Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cần phải tuân thủ các quy định, như: Không sản xuất hữu cơ xen lẫn với sản xuất thông thường và vùng đang chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ; không sử dụng các loại giống cây chuyển đổi gen; không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng, các loại phân bón tổng hợp... Mà chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng cách tiêu diệt thủ công hoặc thuốc sinh học. Để làm được điều đó thì quan trọng nhất là phải giúp người nông dân thay đổi nhận thức; thay đổi tư duy và cách làm nông nghiệp.

Theo đó, huyện Mộc Châu đã triển khai tuyên truyền sâu rộng đến người dân, các HTX nông nghiệp; chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức 34 cuộc họp tại xã, 116 cuộc họp tại các bản, tiểu khu thu hút trên 2.800 lượt người tham gia để tuyên truyền về ý nghĩa và định hướng về phát triển nông nghiệp hữu cơ; tổ chức gần 30 lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh tại cấp huyện và các xã, thị trấn, giúp nông dân thay đổi nhận thức, tư duy làm nông nghiệp theo hướng an toàn.

Bước đầu, huyện đã xây dựng 5 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các HTX sản xuất rau an toàn. Trong đó, có 2 mô hình sản xuất rau hữu cơ, 2 mô hình trồng cây ăn quả và 1 mô hình trồng chè. Một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn cũng nhanh chóng xây dựng các mô hình trồng rau hữu cơ, nuôi trùn quế với quy mô vừa và nhỏ. Đặc biệt, HTX Rau an toàn bản Tự nhiên, xã Đông Sang đã được UBND huyện Mộc Châu chọn triển khai thí điểm mô hình đầu tiên về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX Rau an toàn bản Tự Nhiên, cho biết: Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ được triển khai tại HTX với quy mô 5 ha với 16 hộ tham gia. HTX đã sử dụng phân ủ từ men vi sinh với phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng để bón cho rau. Qua thực hiện, đất rất tơi xốp, hạn chế tối đa sâu bệnh hại; rau có thời gian sinh trưởng dài nhưng rất chắc cây, dày lá, vận chuyển không bị dập hay hao hụt; giá bán cũng cao hơn và khả năng cạnh tranh trên thị trường tốt hơn. Đây là hướng phát triển nông nghiệp bền vững được HTX xác định sẽ áp dụng lâu dài và tiến tới phát triển quy mô trên diện rộng.

Năm 2019, huyện Mộc Châu còn phối hợp với Công ty cổ phần Quế Lâm Phương Bắc triển khai tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ 4 tấn chế phẩm vi sinh để ủ hơn 2.000 tấn phân hữu cơ cho 15 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện với tổng kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng. Số phân bón hữu cơ này được dùng để phục vụ trồng rau, quả hữu cơ tại chỗ. Từ những mặt tích cực của các mô hình nông nghiệp hữu cơ, đến nay ở Mộc Châu đã có nhiều hộ dân trên địa bàn áp dụng sản xuất rau, quả tại gia đình. Theo kết quả khảo sát của Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Mộc Châu, hiện nay đã có 336 hộ chuyển hướng sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng với tổng khối lượng gần 415 tấn phân hữu cơ đã được sử dụng; có 149 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 244 ha, chủ yếu là trồng rau và cây ăn quả; 194 hộ tự thực hiện ủ và sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng với tổng khối lượng gần 570 tấn.

Qua quá trình triển khai, nhận thấy, với các loại rau, quả được sản xuất theo hướng hữu cơ thường có chất lượng sản phẩm tốt và ngon; thời gian lưu quả trên cây và thời gian bảo quản dài hơn các sản phẩm vô cơ. Trong khi đó, sản xuất hữu cơ giúp cải tạo đất, tận dụng được nguồn phụ phẩm thừa từ nông nghiệp làm phân hữu cơ cung cấp cho cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy sản phẩm từ sản xuất hữu cơ có thể mẫu mã không bằng sản xuất theo hướng vô cơ, nhưng lại an toàn cho người dùng, nhờ đó người tiêu dùng chấp nhận mua sản phẩm với giá giá cao và có tiềm năng phát triển bền vững, lâu dài.

Với những kết quả khả quan đạt được, huyện Mộc Châu định hướng mở rộng quy mô ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên toàn huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh trong nông nghiệp; khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, sử dụng phân phân bón hữu cơ vi sinh thay thế cho phân bón vô cơ như hiện nay. Hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các sản phẩm lợi thế của địa phương, gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ ổn định. Từng bước thay đổi phương thức làm nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới