Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, huyện Vân Hồ định hướng phát triển với cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp, du lịch - dịch vụ, công nghiệp; hình thành khu đô thị du lịch trung tâm huyện Vân Hồ. Để đạt được mục tiêu này, hiện nay, Vân Hồ đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch, ưu tiên thu hút đầu tư, đặc biệt các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch dựa trên những tiềm năng sẵn có của huyện.

 

Những đồi chè của Vân Hồ luôn là điểm hấp dẫn du khách.

Với lợi thế về tiềm năng phát triển cây ăn quả, rau, hoa chất lượng cao và phát triển du lịch đã đem đến cho Vân Hồ những ưu thế mà các địa phương khác không có. Hiện, huyện Vân Hồ đã thâm canh 1.891 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 4.100 tấn/năm; trên 1.000 ha chè, sản lượng đạt trên 9.100 tấn chè búp tươi/năm; đàn bò sữa hiện có trên 1.700 con, sản lượng sữa tươi đạt trên 5.000 tấn sữa/năm. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất đạt 2.258 tỷ đồng theo giá hiện hành, trong đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.283 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2016.

Hiện nay, huyện Vân Hồ đã xây dựng và hình thành một số mô hình, trang trại cây ăn quả, chăn nuôi bò sữa, trồng hoa, rau chất lượng cao, vừa đem lại giá trị kinh tế vừa trở thành điểm đến thăm quan, trải nghiệm hấp dẫn đối với khách du lịch, giúp các tổ chức, cá nhân có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch. Trong đó, cây chè đã được chế biến, xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước khác trên thế giới. Hệ thống các đồi chè ở Vân Hồ cũng tạo thành những nét độc đáo về cảnh quan đối với khách du lịch. Rau, hoa chất lượng cao ở Vân Hồ đang phát triển và bắt đầu có thương hiệu trên thị trường, trở thành sản phẩm hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư như: hoa lan rừng, lan hồ điệp, hoa ly, các loại rau, quả trồng theo tiêu chuẩn Viet GAP. Cùng với đó, các sản phẩm nông nghiệp khác như: Quýt Chiềng Yên, hồng giòn, khoai sọ mán, cá tầm, cá hồi, cá dầm xanh, dược liệu quý... vừa là những sản phẩm phục vụ trực tiếp nhu cầu ăn uống, lưu niệm của khách du lịch, vừa là điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn du khách.

Để thúc đẩy ngành nông nghiệp, du lịch phát triển, trong định hướng phát triển kinh tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Vân Hồ đã quy hoạch chi tiết việc hình thành, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển các loại hình du lịch. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Vân Hồ đang tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, kết hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng, vật nuôi phát huy lợi thế từng vùng, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, khuyến khích phát triển mới các cơ sở chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở các xã Vân Hồ, Lóng Luông, xã Chiềng Yên, Chiềng Khoa. Vùng dọc sông Đà tập trung phát triển trồng bông, các loại cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm lấy thịt, khai thác và nuôi cá lồng trên sông Đà, giữ gìn và phát triển chợ nông thôn, chợ phiên dọc sông; phát triển dịch vụ du lịch tham quan hang động, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đối với vùng cao biên giới, tập trung phát triển thâm canh cây lương thực, phát triển chăn nuôi đại gia súc, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản nước lạnh như: cá hồi, cá tầm, cá dầm xanh ở những nơi có điều kiện; phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, các cơ sở chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu.

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhất là thực hiện chính sách thu hút đầu tư, huyện Vân Hồ đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản. Trong số đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp triển khai trên địa bàn, hiện nay có 4 dự án đang triển khai sản xuất, kinh doanh như: Dự án đầu tư phát triển chè Chiềng Khoa của Công ty TNHH Đại Thành; dự án trồng và chế biến chè Nhật xuất khẩu của Công ty TNHH Satoen Việt Nam; Dự án trồng rừng nguyên liệu vầu và cây dược liệu của Công ty cổ phần Đông ấn Việt Nam; Dự án chè Chiềng Đi và dự án đầu tư trồng mới thâm canh và chế biến chè tại xã Lóng Luông (Vân Hồ). Lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp có 6 dự án, trong đó đã khởi công nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Công ty SI Vân Hồ; đang triển khai các thủ tục thực hiện dự án chế biến chè tại bản Liên Hưng, xã Tô Múa của Công ty đầu tư và sản xuất chè Tô Múa; dự án thu mua, sấy nông sản Chiềng Khoa của Công ty cổ phần Sơn Hà; dự án nhà máy chế biến nước hoa quả công nghệ cao Sơn La của Tập đoàn TH...

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có và môi trường thuận lợi trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, hứa hẹn mang đến những chuyển biến tích cực, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy ngành du lịch huyện Vân Hồ ngày càng phát triển.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới