Phát triển chăn nuôi gia súc nhốt chuồng

Cùng với nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, những năm gần đây, người dân ở xã Song Khủa (Vân Hồ) còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng theo hướng hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của ông Vũ Văn Chắc, bản Co Súc, xã Song Khủa (Vân Hồ).

Xã Song Khủa hiện có trên 4.300 con gia súc các loại, trong đó đàn trâu 1.900 con, đàn bò hơn 2.500 con, còn lại là dê, ngựa. Trong xã có 1.350 hộ tham gia chăn nuôi thì có trên 96% các hộ thực hiện nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Để có được kết quả tích cực đó, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Bên cạnh đó, Ban quản lý các bản tích cực phối hợp với cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chế độ dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, chống đói rét cho đàn gia súc vào mùa đông... Đồng thời, vận động các hộ chăn nuôi tận dụng diện tích ruộng bỏ hoang, chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ, ngô ủ ướp làm thức ăn. Đến nay, bà con đã trồng được hơn 40 ha trồng cỏ voi và 100 ha trồng ngô làm thức ăn cho đàn gia súc.

Chúng tôi tới bản Co Súc, qua trao đổi với một số hộ chăn nuôi được biết, nhiều năm trước, bà con chủ yếu thả rông gia súc trên đồi; một số hộ có nhiều trâu, bò thì gửi nhờ vào những gia đình không có gia súc. Thời điểm đó, tình trạng nhiều hộ dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan ảnh hưởng đến chăn nuôi. Thêm nữa, khi thả rông đàn gia súc, việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh bị hạn chế, nhất là vào mùa đông rét đậm, rét hại kéo dài làm nhiều trâu, bò bị chết. Được sự tuyên truyền, vận động, bà con đã từng bước đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, phát triển nuôi gia súc theo hình thức nhốt chuồng. Cả bản hiện có 237 hộ chăn nuôi trâu, bò, thì 230 hộ nuôi nhốt chuồng.

Bên cạnh đó, cùng với đẩy mạnh nuôi gia súc nhốt chuồng, một số hộ trên địa bàn xã đã thực hiện kinh doanh theo hướng nuôi bò vỗ béo, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình ông Vũ Văn Chắc, bản Co Súc, là một trong những hộ có thu nhập ổn định từ chăn nuôi. Ông Chắc cho biết: Sau nhiều năm vừa phát triển chăn nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, áp dụng việc chăm sóc, bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp, phòng chống dịch bệnh, năm 2014, gia đình quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, trồng 2 ha cỏ để nuôi nhốt chuồng 20 con bò. Đồng thời, trong chuồng thường xuyên nuôi 30 con bò vỗ béo, mỗi năm xuất được 8-10 tấn thịt hơi, trung bình mỗi con bò khi xuất chuồng đều tăng từ 15-25 kg, trừ chi phí, thu lãi khoảng 350 triệu đồng.

Có thể thấy, nuôi gia súc nhốt chuồng đã khẳng định hiệu quả nhờ thuận lợi hơn trong việc chăm sóc, hạn chế rủi ro, kiểm soát được dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, xã Song Khủa tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, để bà con yên tâm sản xuất.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới