Phát triển chăn nuôi cần gắn với nhu cầu của thị trường

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị xây dựng Chiến lược chăn nuôi trong giai đoạn tới cần chú ý đến việc phát triển chăn nuôi gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, tránh việc thừa, thiếu. Để làm được điều này cần tính toán, không làm theo phong trào, thiếu kế hoạch, phải dự báo tình hình để bổ sung kịp thời.

Sáng 15/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, triển khai Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, sau hơn 10 năm triển khai, ngành chăn nuôi đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Chăn nuôi Việt Nam luôn phát triển với tốc độ cao, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp có xu hướng tăng nhanh, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Giai đoạn 2008-2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ 5 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần. Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu như: thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến,… khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi trong nước với khu vực và trên thế giới.

Dù vậy, đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, ngành chăn nuôi hiện nay vẫn còn tồn tại không ít bất cập. Điển hình là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, công tác quản trị kém làm giảm năng suất và tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi. Đi cùng với đó là công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường vẫn còn nhiều bất cập, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ và giết mổ nhỏ lẻ. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm chưa được xử lý dứt điểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng và làm phát sinh nhiều chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi.

Để tiếp tục tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển trong thời gian tới, việc tiếp tục đề ra chiến lược là vấn đề cấp thiết để hướng tới các mục tiêu lớn hơn khi đây là ngành mà Việt Nam còn nhiều dư địa. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 hướng tới phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng và bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2040, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nhìn nhận, ngành chăn nuôi còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ. Đó là tốc độ phát triển nhanh nhưng mất cân đối, khi thịt lợn chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 70% trong cơ cấu sản phẩm thịt, dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro khi ngành hàng này có biến động. Đồng thời, trong ba khâu: sản xuất, chế biến, tiêu thụ, mới chỉ có khâu sản xuất đạt, còn chế biến đang là khâu hạn chế. Với nhu cầu thị trường rộng nhưng phục vụ chủ yếu là lò mổ thủ công, các nhà máy chế biến hiện đại rất ít, kể cả chuỗi gà, thịt lợn vẫn còn yếu. Tổ chức tiêu thụ vẫn là chợ nông thôn, chợ truyền thống là chính.

“Trên thực tiễn có tăng trưởng nhưng cứ nhiều lên là đi giải cứu, không liên hoàn chuỗi. Quản lý nhà nước từ công tác giống, an toàn thực phẩm vẫn phải cố gắng rất nhiều. Nông nghiệp xuất khẩu trên 40 tỷ USD đi khắp các nước, mà soi ngành chăn nuôi không thấy đâu…” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chiến lược chăn nuôi trong giai đoạn tới cần khắc phục được các tồn tại căn cốt của việc thực hiện chiến lược vừa qua, đồng thời xác định lại được vị thế của ngành hàng này. Phát triển chăn nuôi trên cơ sở 3 định hướng lớn gồm: môi trường, kinh tế và an sinh. Đây vừa là mục tiêu vừa là hiệu quả của ngành chăn nuôi. Chăn nuôi phải đồng bộ tất cả các khâu. Áp dụng công nghệ mới nhất phù hợp với từng ngành hàng từng giai đoạn. Phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu, lấy đây là áp lực cần thiết để quay trở lại tái cơ cấu ngành hàng.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
(Ảnh: BT)

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi của Việt Nam trên thị trường còn nhiều vấn đề. Nếu mở cửa thị trường chăn nuôi, sản phẩm của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa về cả chất lượng và giá cả. Cùng với đó là áp lực hội nhập kinh tế quốc tế, khi hàng rào thuế quan được tháo gỡ, các nước gia tăng số lượng nhập khẩu vào Việt Nam, vì vậy, không còn cách nào khác ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.

Phó Thủ tướng đề nghị xây dựng Chiến lược chăn nuôi trong giai đoạn tới cần chú ý đến việc phát triển chăn nuôi phải gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, tránh việc thừa, thiếu. Để làm được điều này cần tính toán, tránh làm theo phong trào, thiếu kế hoạch, phải dự báo tình hình để bổ sung kịp thời. Phát triển chăn nuôi đảm bảo năng suất, chất lượng gắn với bảo vệ môi trường, chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời coi trọng chăn nuôi truyền thống gắn với bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh để có sản phẩm đặc thù của Việt Nam.

Đi cùng với đó, phát triển các doanh nghiệp chăn nuôi, coi đây là động lực chính để công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi. Áp dụng khoa học công nghệ hiệu quả để phát triển theo hướng chăn nuôi hữu cơ. Để triển khai được những mục tiêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị cần quan tâm đến các giải pháp về chính sách tín dụng, khoa học công nghệ, đất đai,… để góp phần hỗ trợ thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới