Phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững

Tỉnh ta có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của nhiều loại cây dược liệu. Tuy nhiên, việc trồng cây dược liệu chủ yếu mang tính tự phát, theo hình thức cá thể, sản xuất bằng kinh nghiệm... dẫn đến năng suất, chất lượng thấp, chưa theo kịp nhu cầu thị trường. Để cây dược liệu trở thành cây làm giàu, bên cạnh việc ứng dụng bộ giống mới, cần đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, tăng cường quản lý, giám sát sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, liên kết bao tiêu sản phẩm thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Mô hình trồng cây đương quy của HTX Dược liệu sạch Phương Ngân (Mộc Châu).

Theo thống kê, Sơn La có trên 560 loài cây thuốc, trong đó nhiều loại dược liệu quý, như: Đương quy, giảo cổ lam, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, actiso, ý dĩ, hồi, quế, gấc, đinh lăng, ba kích.... Cây dược liệu được trồng tập trung ở huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Để phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định, lâu dài và mang hiệu quả kinh tế cao, năm 2017, Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Xây dựng mô hình HTX trồng và sơ chế một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế tại tỉnh Sơn La theo hướng phát triển bền vững” đã được triển khai thực hiện. Dự án do Công ty cổ phần Dược liệu Vân Hồ chủ trì; Tiến sĩ Trần Thị Huế (Viện Thổ nhưỡng nông hóa thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) làm chủ nhiệm. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng mô hình phát triển kinh tế HTX trồng và sơ chế cây dược liệu tại Mộc Châu, Vân Hồ, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Sau hơn 2 năm thực hiện, Dự án đã xây dựng thành công mô hình, chuyển giao, tiếp nhận 3 quy trình công nghệ trồng, chăm sóc, sơ chế cây đương quy, giảo cổ lam và cây nưa konjac; thành lập mới HTX Rau củ quả dược liệu Bống Hà tại huyện Vân Hồ và liên kết với HTX Dược liệu sạch Phương Ngân (Mộc Châu) để tiến hành trồng, sơ chế cây dược liệu. Theo ông Lường Văn Ban, Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Vân Hồ, 2 huyện Vân Hồ và Mộc Châu có khí hậu mát mẻ, mùa hè nhiệt độ trung bình từ 19 - 250C, nhiệt độ trung bình cả năm 18,50C, độ ẩm trung bình 80%, lượng mưa bình quân 135 mm/tháng... là những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây ôn đới, Á nhiệt đới. Cùng với đó, địa hình đồi núi, xen lẫn các phiêng bãi và cánh đồng hình thành nhiều vùng tiềm năng sản xuất rau hoa và cây dược liệu.

Sau 2 năm trồng và chăm sóc, dưới sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, tại huyện Mộc Châu, cây đương quy phát triển tốt, củ tươi trung bình đạt 110,6 g/củ, năng suất thực thu 1.825 kg/ha khô; còn tại Vân Hồ, trung bình đạt 98,9 g/củ tươi, 1682,8 kg/ha khô, hàm lượng tinh dầu đạt 41,8-45,1%, chất lượng đương quy cao hơn đáng kể so với quy định về chất lượng dược liệu. Đối với giảo cổ lam, triển khai trồng ở 2 thời vụ (vụ thu năm 2017 và vụ xuân năm 2018), quá trình trồng, chăm sóc áp dụng theo quy trình canh tác phù hợp, kết quả năng suất giảo cổ lam thu được đạt từ 6,05 - 6,09 tấn/ha/lứa tươi, tương đương 1,05-1,75 tấn/ha/lứa khô; tỷ lệ tươi/khô khoảng 5,70-5,76%, lãi thuần của mô hình trồng giảo cổ lam đạt trên 197 triệu đồng/ha. Đây được đánh giá là mô hình hiệu quả, khuyến khích người dân phát triển để nâng cao thu nhập.

Tiến sĩ Trần Thị Huế thông tin thêm: Dự án đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật cho 100 lượt học viên là thành viên các HTX tham gia mô hình và các hộ dân ở trong khu vực triển khai dự án. Thông qua tập huấn nhằm giúp học viên nắm kỹ thuật trồng, chăm sóc và thực hành sản xuất tốt cây đương quy, giảo cổ lam và nưa konjac. Bên cạnh đó, đã xây dựng được bản đồ, đề xuất vùng sản xuất các loại cây dược liệu tại huyện Vân Hồ, cơ sở khoa học để địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng, duy trì, mở rộng diện tích vùng trồng dược liệu hướng tới hình thành vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO.

Hiệu quả bước đầu từ trồng cây dược liệu là tín hiệu mừng cho người dân địa phương khi có thêm hướng đi mới trong phát triển sản xuất. Dù vậy, đây là loại cây trồng mới, đòi hỏi áp dụng kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến, nên muốn tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích, đưa Vân Hồ và Mộc Châu trở thành vùng trọng điểm cây dược liệu của cả nước, tỉnh Sơn La cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển trồng dược liệu tại các địa phương; thực hiện tốt liên kết “4 nhà” trong sản xuất, thực hiện quy hoạch gắn với thế mạnh của từng tiểu vùng khí hậu, trồng những loại cây dược liệu phù hợp để cây dược liệu trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới