Phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện chủ trương của Đảng, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai thực hiện tốt các chính sách về thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực có lợi thế, như sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng... Đến nay, toàn tỉnh đã có 3.168 doanh nghiệp trên các lĩnh vực.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 401 dự án, với tổng vốn đăng ký ban đầu là 32.535 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về mặt số lượng và chất lượng; lĩnh vực hoạt động đa dạng, sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả cao, tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, hạn chế được các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Công tác phối hợp hậu kiểm sau cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn nhiều hạn chế, vẫn còn doanh nghiệp có tên nhưng không phát sinh thuế, không kinh doanh đúng ngành nghề, không góp đủ vốn.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển KT-XH của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025”. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, doanh nhân; tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật về kinh doanh, kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp.

Rà soát điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Trong đó, tập trung các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với doanh nghiệp, người lao động; đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án của doanh nghiệp. Quan tâm chỉ đạo thành lập tổ chức đảng, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong lực lượng công nhân, người lao động. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Công đoàn, đáp ứng với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự phát triển của giai cấp công nhân.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao các chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính của tỉnh; triển khai một số chương trình tuyên truyền theo chuyên đề về kết quả thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp... Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm hành chính công của tỉnh, bộ phận “một cửa” tại các huyện, thành phố; chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 về giải quyết các thủ tục hành chính.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân gương mẫu, chấp hành, thực hiện tốt các quy định của pháp luật; tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết, cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển; nâng cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Thực hiện tốt công tác bình chọn, đề nghị tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới