Phát huy truyền thống vẻ vang, khẳng định vai trò lãnh đạo - nhân tố quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng tại Sơn La (*)

LTS: Ngày 16/8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, lấy ngày 26/12/1939 là Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Sơn La. Hướng tới kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Sơn La (26/12/1939 - 26/12/2021), Báo Sơn La trân trọng giới thiệu tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa lịch sử Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh; những thành quả cách mạng to lớn đạt được trong chặng đường 82 năm xây dựng, phát triển của Đảng bộ tỉnh Sơn La (1939-2021).

I. NGÀY TRUYỀN THỐNG ĐẢNG BỘ TỈNH SƠN LA 26/12

Năm 1908, trên đồi Khau Cả (1), thực dân Pháp xây dựng Nhà tù Sơn La, ban đầu là nhà tù hàng tỉnh để giam tù thường phạm. Nhưng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhất là sau phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, nhà tù Sơn La đã có sự thay đổi lớn về tính chất, vừa là nhà tù hàng tỉnh vừa là nhà ngục đày ải tù chính trị. Tên gọi Ngục Sơn La bắt đầu từ đó (2).

Thực dân Pháp lựa chọn vùng núi non heo hút Sơn La là nơi giam cầm, đày ải những người tù cộng sản với âm mưu vô cùng thâm độc, chúng thừa nhận: “Chỉ cần một thời gian không lâu, sốt rét, bệnh tật và công việc khổ sai sẽ tiêu hao chúng một cách êm thấm” hay “chỉ trong sáu tháng, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng trở nên hiền lành” (3). Chính vì thế, từ những năm 30 của thế kỷ XX, nhiều đoàn tù chính trị đã bị đưa lên Sơn La với mục đích như thế. Từ năm 1930 đến năm 1944 đã có 1007 tù chính trị bị đi đày tại Sơn La, trong đó có nhiều đảng viên, những người yêu nước, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng, Trần Huy Liệu... Trong điều kiện sống cực khổ, lao động cực nhọc, bệnh tật và âm mưu thâm độc của kẻ thù hung ác, đã có bao chiến sỹ cộng sản, những người con yêu nước đã yên nghỉ ngàn thu dưới Nghĩa trang gốc ổi, vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong lúc tuổi đời còn rất trẻ.

Trong giá lạnh thấu xương của núi rừng Tây Bắc, nơi được mệnh danh là “rừng thiêng nước độc”, nhưng trong chốn lao tù, dưới gông cùm đày đọa của kẻ thù, những người tù Cộng sản bằng ý chí, nghị lực và niềm tin sắt đá vào ngày mai tươi sáng đã quyết tâm và làm nên điều vô cùng lớn lao và ý nghĩa, vượt ra khỏi sự kiểm soát của kẻ thù đế quốc, đó là thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản tại Nhà tù Sơn La vào tháng 12 năm 1939.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Nhà tù đế quốc đã biến thành trường học cách mạng, đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ cho Đảng, cho tỉnh Sơn La lớp cán bộ đầu tiên, đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời, phát triển phong trào cách mạng ở Sơn La. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục của tù chính trị, các tầng lớp nhân dân các dân tộc Sơn La đã giác ngộ, trung thành, đoàn kết dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, chuẩn bị tốt các điều kiện quan trọng, có tính quyết định để Sơn La khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Chi bộ Nhà tù Sơn La là chi bộ được thành lập sớm nhất trên địa bàn Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tù chính trị tại Nhà tù Sơn La lúc bấy giờ, đồng thời cho thấy sự phát triển lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua mọi gông cùm, tra tấn của kẻ thù. Chi bộ Nhà tù Sơn La ra đời đã tạo ra bước ngoặt lịch sử đối với sự phát triển phong trào đấu tranh giành tự do, độc lập của nhân dân các dân tộc Sơn La.

Từ căn cứ lịch sử sống động, đặc biệt ý nghĩa ấy, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã phối hợp với Viện Lịch sử Đảng - Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tập trung triển khai nghiên cứu, xây dựng báo cáo khoa học về chủ đề xác định ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Sơn La. Việc nghiên cứu xác định ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Sơn La được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo sát sao, triển khai các bước chặt chẽ, đảm bảo khách quan, khoa học.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, phân tích sâu sắc, toàn diện và đồng thuận cao của các nhà khoa học chuyên ngành lịch sử Đảng, cơ quan quản lý có nhiệm vụ liên quan của Trung ương, địa phương, các đồng chí nguyên là Bí thư Tỉnh ủy, ngày 16/8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, lấy ngày 26/12 là Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Sơn La. Việc nghiên cứu, xác định ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh có ý nghĩa quan trọng, nhằm khẳng định tính tất yếu, khách quan, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng về công tác xây dựng Đảng trong các giai đoạn lịch sử; vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Sơn La trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

II. CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG 82 NĂM ĐẢNG BỘ TỈNH SƠN LA (1939-2021)

1. Quá trình vận động cách mạng, đấu tranh giành chính quyền (1930-1945)

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cuối tháng 12 năm 1939, các đảng viên trong nhà tù đã bí mật thành lập Chi bộ Nhà tù Sơn La, gồm 10 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư. Ngay từ ngày đầu thành lập Chi bộ Nhà tù đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ: Lãnh đạo mọi hoạt động trong nhà tù, đề ra phương hướng tổ chức các cuộc đấu tranh với kẻ thù. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên và quần chúng; đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện đảng viên về lý luận Mác - Lênin và phương pháp đấu tranh cách mạng; xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong, bên ngoài nhà tù; tìm cách bắt liên lạc với xứ ủy và Trung ương Đảng.

Bằng nhiều biện pháp, hình thức linh hoạt, mềm dẻo, đầy sáng tạo trong việc tuyên truyền, vận động, ánh sáng cách mạng của Đảng từ Chi bộ nhà tù, từ các đảng viên Chi bộ nhà tù đã lan tỏa, ngày càng ảnh hưởng sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân, ban đầu ở khu vực tỉnh lỵ, dẫn đến sự ra đời của 2 tổ chức cách mạng đầu tiên ở châu lỵ Mường La và ở tỉnh lỵ. Từ tỉnh lỵ, phong trào cách mạng nhanh chóng phát triển ra các vùng tiếp giáp như vùng Chiềng Xôm (nay thuộc thành phố Sơn La), vùng Mường Chanh (Mai Sơn), bản Lầm, Tranh Đấu (Thuận Châu)…Đến đầu năm 1945, toàn tỉnh đã có hơn 60 cơ sở cách mạng ở các châu, tạo tiền đề vững chắc để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng thắng lợi khi thời cơ chín muồi. 

(Còn nữa)

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt

(1) Nay thuộc phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La

(2) Thực dân Pháp đổi tên nhà tù Sơn La (từ Prison) thành ngục Sơn La (Pentencier)

(3) Tài liệu sở Mật thám Đông Dương lưu tại cục lưu trữ trung ương Đảng

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới