Phấn đấu không để dịch chồng dịch

Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, số ca mắc bệnh Covid-19 có xu hướng tăng trở lại trên cả nước, với sự xuất hiện của một số biến thể mới của chủng Omicron như BA.04, BA.05... có khả năng lây lan và khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn. Trong khi đó, dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự báo số mắc Covid-19 và sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng. Kiên quyết không để dịch chồng dịch, các tỉnh trong cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

 

Cán bộ Trạm Y tế phường Tô Hiệu, Thành phố, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

 

Thực tế cho thấy, sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi cơ bản, hoặc từng mắc Covid-19, nhiều người dân đã chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là không tham gia tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, cũng như tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Tính đến ngày 5/8, tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên mới đạt 46,6%; trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 3 là 31,6%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm mũi 2 là 51,7%. Như vậy, số đối tượng cần được tiêm các mũi còn khá lớn ở tất cả các đối tượng trong diện tiêm chủng.

Đối với dịch sốt xuất huyết, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận có ổ dịch. Trong đó, năm 2017 ghi nhận có 239 ca mắc, tại 11/12 huyện, thành phố (trừ huyện Sốp Cộp). Riêng ổ dịch được xác định tại xã Cò Nòi và thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn ghi nhận 79 ca. Đến năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 77 ca mắc. 6 tháng đầu năm nay, qua điều tra giám sát véc tơ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế Mai Sơn, đã phát hiện véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại ổ dịch cũ trên địa bàn thị trấn Hát Lót.

Với quyết tâm không để dịch chồng dịch, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh thích ứng an toàn, linh hoạt. Rà soát, cập nhật, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch V2K theo khuyến cáo của Bộ Y tế (vắc xin + khẩu trang + khử khuẩn). Đồng thời, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát trên địa bàn.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hiện nay, ngành Y tế đang phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát từng đối tượng trong mỗi hộ gia đình trên địa bàn, thống kê cụ thể các đối tượng trong diện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm không bỏ sót đối tượng tiêm chủng. Trong quá trình đó, kết hợp tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm đủ các mũi cơ bản và các mũi nhắc lại. Ngành cũng đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc tăng cường các điểm tiêm lưu động tại trường học, nhà máy, khu công nghiệp, cụm dân cư, nhà văn hóa tổ, bản. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng tại các địa phương có tiến độ tiêm chậm. Với mục tiêu hoàn thành tiêm mũi 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên trước ngày 30/8 và hoàn thành tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo quy định của Bộ Y tế trước ngày 31/12/2022.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường La, thông tin: Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đôn đốc, kiểm tra, giám sát tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo phương châm: “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kết hợp với tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng cao, nhằm tăng độ bao phủ mũi nhắc lại cho người dân trong huyện và nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin trong cộng đồng. Tính đến ngày 3/8, người từ 18 tuổi trở lên đã cơ bản hoàn thành tiêm  mũi 1 và mũi 2; mũi 3 đạt 77,5% và mũi 4 đạt 71,7%. Trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi cơ bản hoàn thành tiêm mũi 1; mũi 2 đạt 90,5; mũi 3 đạt 20%. Trẻ từ 5 đến 12 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 90% và mũi 2 đạt 45,8%.

Bên cạnh đó, ngành Y tế đã và đang tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch sốt xuất huyết, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới. Củng cố, duy trì hoạt động của “nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết” và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Đồng thời, phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho người dân; chủ động phun hóa chất diệt côn trùng trong phòng ở, các khu vực có nhiều bọ gậy, muỗi sinh sống, như khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, cống rãnh, bụi rậm... Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiến hành điều tra, giám sát côn trùng tại các tiểu khu có ổ dịch cũ trên địa bàn thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn...

Bà Nguyễn Minh Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn, thông tin: Trung tâm đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương về tình hình dịch sốt xuất huyết; các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân hiểu và tự giác thực hiện. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại 6 tiểu khu và 2 chợ tại thị trấn Hát Lót, với tổng diện tích phun là 42.360m². Hiện, Trung tâm tiếp tục kiểm soát, giám sát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, với quyết tâm không để dịch chồng dịch.

Trước nguy cơ dịch bùng phát, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, khẩn trương, quyết liệt hơn trong triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19; thực hiện tốt khuyến cáo phòng chống dịch V2K của Bộ Y tế; chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch cũ và ổ dịch phát sinh nếu có... Cùng với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, còn rất cần sự vào cuộc tích cực của người dân, như vậy trên địa bàn tỉnh mới không xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới