“Ông Thuận nỏ”

Cái tên “ông Thuận nỏ” được dân bản gán cho từ hơn 10 năm nay rồi. Cứ có khách tìm đến, nói như vậy là họ đến được đúng địa chỉ ông Lò Văn Thuận, dân tộc Thái, ở bản Tông Nọi, xã Chiềng Xôm (Thành phố), ông nói như vậy khi chúng tôi tới thăm “xưởng chế tác nỏ” của ông. Bên hiên nhà, dưới gầm sàn, trên gác bếp... chỗ nào cũng thấy xếp chồng chất các vật liệu, dụng cụ để chế tác nỏ.

 

Ông Thuận nỏ với bộ sưu tập Huy chương.

Trò chuyện với ông được biết, ông gắn bó với nghề thợ mộc hơn 20 năm, lại được thừa hưởng kỹ thuật chế tác nỏ của cụ thân sinh truyền lại. Khi phong trào thể thao quần chúng của tỉnh phát triển mạnh, ông thôi hẳn nghề mộc gia dụng để chuyển sang chế tác nỏ cho các VĐV thi đấu. Bản thân ông cũng là VĐV bắn nỏ của tỉnh từ năm 2007. Nhấp ngụm trà xuân thơm nồng, ông thong thả kể về quy trình làm nỏ. Ban đầu nỏ chỉ bắn xa được khoảng 15 m, độ chính xác không cao. Mày mò tìm hiểu những người cao tuổi rồi rút kinh nghiệm. Hỏng mãi rồi cũng thành công, ông quyết định đăng ký tham gia thi đấu giải cấp tỉnh và đoạt giải nhì tư thế đứng bắn.

Nói về kinh nghiệm chế tác nỏ, ông bảo: Cánh cung nỏ phải chọn cây luồng già, thân nhỏ, dóng dài đều, chặt vào thấy lõi đen đặc, cứng chắc, bổ làm đôi hoặc làm tư xếp lên gác bếp hun khói cho thật khô có độ đàn hồi tốt. Thân nỏ (báng nỏ) chủ yếu dùng cây mạy cụ (trâm đá), mạy kỷ (xến) mọc trên núi đá, những loại cây này cứng, không nứt nẻ nhưng cũng phải sấy trên gác bếp để tránh cong vênh. Dây nỏ bện bằng dây gai phơi khô, bện xoắn đều, chà xát bằng lá rừng tạo sự kết dính, tránh xơ tướp. Tên nỏ cũng được làm từ thân cây tre già, dóng dài, thẳng thớ, hun khói 6 tháng mới đem ra vót. Cánh tên làm bằng tre vót mỏng, gấp xuôi để tránh lực cản... Do nhiều yêu cầu khắt khe, mỗi năm ông chế tác khoảng hơn 100 chiếc phục vụ thi đấu. Bình quân mỗi chiếc 1,5 triệu đồng, ngoài ra ông còn chế tác nỏ làm quà tặng với giá 300 ngàn đồng/chiếc, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Đang vui, ông mở tủ cho chúng tôi xem bộ sưu tập huy chương vàng, bạc, đồng (nặng không dưới 5 kg) mà ông đã dành được khi tham gia các giải thể thao cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Trong số này, có 3 HCV, 4 HCB, 4 HCĐ đoạt được tại Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ II năm 2017 tổ chức tại tỉnh ta. Ông bảo, con trai, con gái, con dâu của ông cũng là VĐV môn bắn nỏ của tỉnh.

Ghi nhận thành tích của “lão VĐV”, UBND tỉnh đã tặng 2 Bằng khen về thành tích xuất sắc tại các giải thể thao dân tộc khu vực và toàn quốc. Đặc biệt, ông là một trong những người được đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xét công nhận Nghệ nhân ưu tú năm 2017. Năm mới lại đến, chúc ông nhiều sức khỏe, tiếp tục chế tác nỏ chất lượng, giữ gìn, phát huy và quảng bá môn thể thao giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới