Ổn định đời sống Đồng Bào vùng TĐC thủy điện Sơn La: Kỳ I: Hơn một thập kỷ thực hiện tái định cư thủy điện Sơn La

Sau 15 năm thực hiện công cuộc di dân tái định cư thủy điện Sơn La tại huyện Thuận Châu, đời sống, sản xuất của người dân trong vùng dự án từng bước dần ổn định; nhiều khu, điểm TĐC nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, người dân tái định cư đoàn kết với người dân sở tại, cùng nhau xây dựng quê hương, bản làng ấm no, giàu đẹp.

Mô hình trồng chè của người dân bản TĐC Quỳnh Châu, xã Phổng Lái (Thuận Châu).

Ký ức về những ngày di dân

 

Năm 2005, cùng với cả tỉnh bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư thủy điện Sơn La, huyện Thuận Châu cùng huyện Quỳnh Nhai và Mường La là địa bàn phải di chuyển dân giải phóng lòng hồ. Huyện Thuận Châu phải di chuyển và đón nhận 1.571 hộ, 8.145 nhân khẩu ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La đến TĐC tại 11 khu, 37 điểm tập trung và 2 bản TĐC xen ghép, trong đó di chuyển ra ngoài huyện 62 hộ, di chuyển nội huyện 573 hộ, đón dân huyện Mường La, Quỳnh Nhai 906 hộ với 4.948 nhân khẩu và đón 30 hộ dân tự nguyện di chuyển đến các điểm tái định cư. Khối lượng công việc phải triển khai thực hiện lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đối tượng trong đời sống xã hội và phải thực hiện di chuyển nhiều hộ dân trên địa bàn rộng, hiểm trở, chia cắt, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội thấp kém, trình độ dân trí không đều, toàn huyện phải di chuyển, đón nhận dân tái định cư tại 11/29 xã, chiếm 38% số đơn vị hành chính cấp xã nên khó khăn cho công tác triển khai thực hiện.

Anh Nguyễn Văn Toản, Trưởng Ban Di dân TĐC huyện Thuận Châu

chia sẻ với phóng viên về những ngày đầu thực hiện công tác di dân TĐC thủy điện Sơn La.

Nhắc lại những ngày cao điểm di chuyển dân, trong hàng trăm câu chuyện di dân tái định cư, vui có, buồn có, anh Nguyễn Văn Toản, Trưởng Ban Quản lý dự án di dân TĐC huyện Thuận Châu kể cho chúng tôi nghe chuyện 62 hộ dân bản Pá Vinh, Huổi Hịa (xã Liệp Tè) chuyển xuống vùng tái định cư Tân Lập (Mộc Châu) để giải phóng mặt bằng thi công nhà máy thủy điện Sơn La. Đường về Pá Vinh khi đó phải vượt con dốc Kho Mùn, dốc đứng, đất bột, người yếu bóng vía phải dùng cả hai tay để bò leo dốc. Thế mà hàng tháng trời, lãnh đạo huyện và những người làm công tác vận động di dân liên tục đi đi, về về, đứng ngồi không yên bởi lúc đầu bà con nghe theo, nhưng sau lại không chịu di chuyển. Khó cũng phải bám bản, bám dân; mì tôm, bánh lương khô ăn “ghém” với những lời “mát mẻ” của bà con, nhưng anh em vẫn đến từng hộ, từng đảng viên, cán bộ bản, hội viên, tuyên truyền vận động để bà con ưng thuận. Bằng nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của người dân, đến tháng 3/2004, Thuận Châu hoàn thành di chuyển 62 hộ dân với 333 nhân khẩu đến tái định cư tại bản Nậm Tôm, xã Tân Lập (Mộc Châu) đảm bảo an toàn về người và tài sản; bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Cao điểm nhất là việc di chuyển dân lên trên cốt ngập 140 m, trời nắng nóng như đổ lửa, nhưng cả vùng sông nước vẫn rất khí thế, thuyền phà, máy xúc, máy ủi làm đường công vụ, san nền nhà để di chuyển dân. Không khí từ huyện, xã đến các bản, từ Liệp Tè, Mường Khiêng, Chiềng Ngàm, Phổng Lái, Bon Phặng, đến Tông Lạnh, Bó Mười, Nong Lay, Tông Cọ... đều như sôi lên. Thời điểm đó, trước hàng núi công việc, ai nấy đều lo lắng, lo từ quy hoạch, đến lo vận động ký cam kết, đo đạc, đền bù; lo di chuyển an toàn, lo điện, lo nước, lo học hành, lo ổn định đời sống sản xuất... công việc đón dân tái định cư bộn bề bởi cả tỉnh, cả huyện, cả xã, bản đều vào cuộc đại di dân lịch sử. Câu chuyện được nhiều người tham gia di dân thời điểm đó nhắc mãi, đó là đợt ra quân di chuyển dưới cốt ngập 140 m để kịp tiến độ ngăn sông đợt 1, tại bản Chà Lào, xã Liệp Tè, còn một vài hộ không chịu di chuyển, mặc dù thời điểm đó tỉnh đã tăng cường gần 30 cán bộ về làm công tác tuyên truyền. Việc tuyên truyền vận động “nặng có, nhẹ có” mà vẫn không lay chuyển được “cây cổ thụ” của bản. Thế rồi, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã vượt chặng đường 60 km đến tận bản, chỉ sau bữa cơm tối, uống rượu và tâm sự, sáng hôm sau, chủ nhà đã xung phong dỡ nhà di chuyển, bà con đồng lòng đi theo. Điều này đã giúp cho những người làm công tác di dân rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tái định cư về sau này.

Chạy đua với thời gian, Cán bộ Ban quản lý di dân TĐC huyện dàn ra khắp huyện lo tổ chức đón dân, dựng nhà. Việc quy hoạch 11 khu, 36 điểm, bố trí gần 1.500 hộ dân tái định cư được sắp xếp chu đáo, an toàn. Rồi từ năm 2006 - 11/2009, Thuận Châu vừa xây dựng cơ sở hạ tầng vừa thực hiện việc chuyển dân, đặc biệt giai đoạn nước rút với chiến dịch 55 ngày đêm (từ 10/12/2009 - 2/2/2010), đã hoàn thành việc di chuyển và đón dân tái định cư ra khỏi vùng ngập lòng hồ, đảm bảo an toàn về người và tài sản, góp phần vào thành công của dự án xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La.

Cuộc sống trên quê mới

Bản TĐC Quỳnh Châu, xã Phổng Lái.

Ngay sau khi hoàn thành việc di chuyển, đón dân, huyện Thuận Châu đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giao đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ sản xuất cho người dân; các dự án thành phần tại các khu, điểm TĐC được triển khai đồng bộ, huyện đặc biệt quan tâm, chỉ đạo hướng dẫn người dân TĐC phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả, qua đó đời sống của người dân vùng TĐC cơ bản ổn định tại nơi ở mới, chất lượng cuộc sống từng bước nâng lên. Theo chân cán bộ xã Mường Khiêng, chúng tôi đến bản TĐC Huổi Pản - một trong những bản TĐC đầu tiên của huyện Thuận Châu. Huổi Pản có 59 hộ di chuyển từ bản Pá Mu, thị trấn Ít Ong (Mường La) đến Mường Khiêng vào năm 2005, cũng như các điểm TĐC khác ở Thuận Châu, Huổi Pản được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: Điện, đường, công trình nước sạch... Cùng với đó là những phương án, mô hình sản xuất được hỗ trợ đến các hộ dân để ổn định sản xuất. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất không nhiều, trung bình mỗi hộ được giao khoảng 1 ha, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn, năng suất thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy tiềm năng mặt nước vùng lòng hồ, với sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền xã cùng kinh nghiệm nuôi thủy sản từ quê cũ, năm 2015, một số hộ dân của bản Huổi Pản đã thầu 1.000 m² mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La khu vực bản Huổi Tát, xã Liệp Tè (Thuận Châu) để phát triển nuôi cá lồng, khởi đầu với 20 lồng nuôi cá trắm, nheo, chép. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên cá phát triển tốt, sau hơn 6 tháng nuôi đã cho thu hoạch. Để liên kết các hộ gia đình tham gia nuôi tập trung và tìm đầu ra cho sản phẩm, tháng 5/2016, HTX Huổi Pản được thành lập. Hiện, HTX có 12 thành viên, nuôi 44 lồng cá, trung bình mỗi lồng cá có diện tích hơn 20 m², được làm bằng khung thép chắc chắn, tập trung nuôi các loại cá: Trắm, rô phi, chép, lăng vàng, nheo và diêu hồng. Thức ăn cho cá được các thành viên tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của địa phương như bột ngô, sắn, rau, lá chuối... Anh Vì Văn Nghiêm, Giám đốc HTX Huổi Pản, cho biết: Để cá phát triển tốt, các thành viên HTX đã thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ bệnh cho cá, đảm bảo các lồng cá không có dịch bệnh xảy ra. Mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường gần 30 tấn cá các loại, đem lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã ký kết với Công ty Thủy sản Sông Đà bao tiêu sản phẩm. Ngoài việc tập trung nuôi cá lồng, HTX Huổi Pản còn vận động các thành viên đẩy mạnh trồng cây ăn quả trên đất dốc, hiện HTX đã trồng gần 20 ha xoài Đài Loan.

Mô hình nuôi cá lồng của HTX Huổi Pản, bản TĐC Huổi Pản, xã Mường Khiêng.

Cách nghĩ, cách làm của người dân ở Huổi Pản là minh chứng cho ý chí vươn lên trong cuộc sống, không chịu khuất phục trước khó khăn, họ không chỉ trông đợi vào sự đầu tư của Nhà nước mà đã tận dụng được tiềm năng, điều kiện tự nhiên để biến thành thế mạnh, hướng phát triển kinh tế hiệu quả trên quê mới.

Trong chuyến công tác tìm hiểu về cuộc sống của người dân các bản TĐC thủy điện Sơn La ở huyện Thuận Châu, chúng tôi đã được nghe, chứng kiến nhiều câu chuyện về tình đoàn kết giữa người dân tái định cư và người dân sở tại, câu chuyện về cuộc sống, phát triển kinh tế, giữ gìn nét văn hóa truyền thống ở quê mới. Hình ảnh những nương chè, cà phê xanh ngát, trải dài cùng những vườn cây ăn quả đang sinh sôi, đâm chồi nảy lộc xanh biếc; các tuyến đường nội bản được đổ bê tông sạch sẽ bên những dãy nhà sàn kiên cố, khang trang..., đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về cuộc sống người dân tái định cư trên quê mới với những đổi thay đáng kể, các khu, điểm TÐC đến nay đều đã ổn định dân cư, đời sống sản xuất của đồng bào có bước phát triển, hình thành những mô hình sản xuất mới... Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và địa phương, bà con đang tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn, xây dựng nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. 

(Còn nữa)

Duy Tùng - Quàng Hưởng

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới