Ô nhiễm nguồn nước ngầm ở Mai Sơn - nguyên nhân và giải pháp

Đã một tuần nay, Trạm cấp nước Nà Sản, thuộc Xí nghiệp Cấp nước Mai Sơn, huyện Mai Sơn phải ngừng hoạt động do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn tiểu khu Nà Sản và thị trấn Hát Lót. Nguyên nhân bước đầu được xác định có thể do nước thải từ sơ chế quả cà phê, gây ô nhiễm đầu nguồn nước ngầm.

Tái diễn tình trạng ô nhiễm từ sơ chế quả cà phê 

 

Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND huyện Mai Sơn về ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Cấp nước Sơn La, hầu như năm nào đến mùa thu hoạch cà phê thì các nguồn nước ở thành phố Sơn La hoặc thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) đều bị ô nhiễm do nước thải từ sơ chế quả cà phê. Đặc biệt, năm 2017, ở Thành phố đã xảy ra ô nhiễm nguồn nước tới hơn 20 lần. Nghiêm trọng nhất là Nhà máy nước số 1 Thành phố đã phải dừng sản xuất 10 ngày liên tiếp (từ 4-14/11/2017) do việc xả nước thải, chất thải của các cơ sở, hộ gia đình chế biến cà phê quả tươi chủ yếu bằng phương pháp ướt trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp 12.000 hộ dân, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước thực trạng trên tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, ứng phó, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước; thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh và hành lang bảo vệ nguồn nước làm căn cứ xây dựng quy định về sản xuất, kinh doanh, chế biến gắn với bảo vệ môi trường, nguồn nước, nhất là khu vực đầu nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng, suối Nậm La và Nậm Pàn. Nhờ đó năm 2018, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do chế biến cà phê đã cơ bản được ngăn chặn, ở địa bàn Thành phố không còn xảy ra tình trạng ngừng cấp nước sinh hoạt kéo dài như các năm trước.

 

 

Cơ sở chế biến quả cà phê xả thẳng nước thải không qua xử lý ra rãnh bên đường

ở HTX Hoàng Văn Thụ, xã Hua La (Thành phố).

Nước thải từ chế biến quả cà phê bơm thẳng ra hố đào trên mặt ruộng ở bản Mạt,

xã Chiềng Mung (Mai Sơn) 

 

Mó nước bản Long Lái, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) trước đây chuyên cung cấp nước sinh hoạt cho người dân,

nhưng đến nay nước cũng bị đen và có mùi hôi thối.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các cơ quan chức năng, chính vì việc quản lý chặt đầu nguồn nước của Thành phố, các cơ sở chế biến cà phê ở huyện Thuận Châu giảm do không đáp ứng được việc bảo vệ môi trường. Do vậy, việc mua bán, sơ chế quả cà phê lại chuyển về địa bàn huyện Mai Sơn với quy mô và số cơ sở sơ chế cà phê tăng nhiều hơn các năm trước. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến Trạm cấp nước Nà Sản, Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn phải ngừng hoạt động 2 lần tính từ tháng 11 đến nay do ô nhiễm nguồn nước. Lần 1 từ ngày 12 đến ngày 13/11; lần 2 từ 5giờ ngày 18/11 đến nay và chưa biết đến khi nào mới cấp nước trở lại do nguồn nước vẫn bị ô nhiễm nặng với mùi hôi khó chịu, chuyển màu vàng, sủi bọt và nổi váng, nguồn nước bị nhiễm bẩn không thể đưa vào xử lý để phục vụ cấp nước sinh hoạt. Việc ô nhiễm nguồn nước đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 2.000 hộ dân trên địa bàn tiểu khu Nà Sản và thị trấn Hát Lót. Công ty cùng xí nghiệp đã khắc phục bằng cách đưa nước từ các nhà máy lân cận để cấp nước được khoảng 1.200 hộ. Hiện còn khoảng 800 hộ dân ở các khu vực cao vẫn chưa có nước.

Chúng tôi theo đoàn công tác của các cơ quan chức năng đi khảo sát thực tế nơi được cho là đầu nguồn nước ngầm của Trạm cấp nước Nà Sản trong phạm vi khu vực xã Chiềng Mung, Chiềng Ban của huyện Mai Sơn… Qua kiểm tra, có rất nhiều cơ sở chế biến cà phê xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường, thông qua các rãnh thoát nước hoặc đào hố trên mặt ruộng gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn cho biết: Tại các nơi kiểm tra, có hơn 40 cơ sở chế biến cà phê và gần 100 hộ gia đình tự xát quả cà phê để tích trữ chờ được giá mới bán. Để bảo vệ môi trường, ngay từ đầu năm 2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn đã tham mưu với UBND huyện tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra mức độ gây ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản; qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt hành chính 13 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 33,5 triệu đồng. Ông An cho biết thêm: Việc xử lý các vi phạm cũng còn gặp khó khăn do các quy định về pháp luật chưa cụ thể; vẫn có hộ dân không chấp hành xử phạt và sau khi xử phạt thì các cơ sở hoặc hộ gia đình chế biến cà phê lại chuyển sang hoạt động vào ban đêm.

Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện Mai Sơn hiện có 4.650 ha cây cà phê. Năm 2020, tỉnh Sơn La giao cho huyện phát triển diện tích cây cà phê lên 5.000 ha, tập trung ở các xã: Chiềng Mai, Chiềng Chung, Chiềng Dong, Chiềng Kheo, Chiềng Ve, Chiềng Ban và Chiềng Mung. Để bảo vệ môi trường, Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tuyên truyền người dân bán quả cà phê cho các nhà máy và cơ sở chế biến cà phê đáp ứng đủ điều kiện bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do đầu vụ giá cà phê thấp khoảng 2.500 đồng/kg quả tươi nên bà con không thu hoạch và để đến nay giá đã tăng lên 6.500-7.000 đồng/kg quả tươi, bà con mới thu hoạch đồng loạt để bán, dẫn đến các nhà máy và cơ sở chế biến thực hiện tốt về bảo vệ môi trường không thể thu mua hết sản lượng cà phê trên địa bàn, nên đã xuất hiện các cơ sở chế biến quả cà phê nhỏ lẻ chưa đáp ứng các quy định về môi trường hoạt động.

Chúng tôi tới Trạm cấp nước Nà Sản, nơi cung cấp nước cho nhà máy là mó nước ngầm chảy ra từ lòng đất có màu đen và mùi khó chịu, trên mặt nước nổi từng mảng bọt màu vàng không đạt tiêu chuẩn cấp nước. Ông Đỗ Quang Phượng, Trưởng phòng quản lý chất lượng, Công ty cổ phần cấp nước Sơn La nói: Do ô nhiễm nguồn nước ngầm nên Nhà máy chưa biết đến khi nào mới hoạt động và cấp nước trở lại. Đặc biệt, hiện nay đang trong mùa khô, lượng mưa ít nên việc khôi phục nguồn nước sạch sẽ gặp khó khăn, vì vậy, các cơ quan chức năng và địa phương cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp xử lý triệt để về bảo vệ môi trường để nhà máy sớm hoạt động trở lại.

Nguồn nước ngầm cung cấp cho Trạm cấp nước Nà Sản (Mai Sơn) bị ô nhiễm,

nước có màu đen, nổi bọt vàng và có mùi hôi.

 

Nước đưa về Trạm cấp nước Nà Sản (Mai Sơn) xử lý nhưng vẫn có màu vàng và sủi bọt,

không đảm bảo cho việc cấp nước trở lại.

 

Giải pháp bảo vệ nguồn nước

Hiện nay, diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 17.000 ha, chủ yếu tập trung tại các huyện: Thuận Châu, Mai Sơn và thành phố Sơn La. Ngoài những cơ sở sơ chế, chế biến lớn, trên địa bàn các huyện còn có nhiều cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, cá nhân. Hầu hết, các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản quy mô hộ gia đình không xây dựng công trình xử lý nước thải hoặc có nhưng không đảm bảo quy định về môi trường. Để chủ động bảo vệ môi trường trong các vụ thu hoạch, sơ chế cà phê, các cơ quan chức năng và các huyện, thành phố đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bảo vệ môi trường và biện pháp xử lý chất thải trong sơ chế nông sản quy mô cụm xã; thành lập đoàn liên ngành thực hiện phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý  các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn. Tuy nhiên, việc ô nhiễm môi trường do nước thải từ chế biến cà phê vẫn lặp đi lặp lại.

Để giải quyết tình trạng về ô nhiễm trong sơ chế cà phê, làm ảnh hưởng đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở huyện Mai Sơn, UBND tỉnh cần chỉ đạo dừng ngay các cơ sở chế biến cà phê chưa đáp ứng các điều kiện đảm bảo môi trường. Về lâu dài, UBND tỉnh cần giao cho Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề tài “Xử lý nước thải trong chế biến cà phê quy mô hộ gia đình với chi phí thấp” để các hộ dân có thể áp dụng trong sản xuất và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương khẩn trương rà soát phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của các nhà máy cấp nước ở các huyện, thành phố để cắm biển cảnh báo và nghiêm cấm các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản không đủ điều kiện bảo vệ môi trường hoạt động. Tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân; hướng dẫn các cơ sở khẩn trương hoàn thiện các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới