Nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo

Đề tài nghiên cứu nuôi trồng thử nghiệm đông trùng hạ thảo (ĐTHT) tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu của Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc được phê duyệt từ tháng 10/2014, thuộc chương trình trọng điểm cấp Nhà nước nhằm phục vụ phát triển vùng Tây Bắc. Sau gần 4 năm triển khai, Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm khoa học công nghệ đã nghiên cứu, nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo chủng “Cordyceps militaris” trong môi trường nhân tạo.

 

Sản xuất đông trùng hạ thảo tại Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc.

ĐTHT chủng “Cordyceps militaris” được Trung tâm nghiên cứu, phát triển từ giá thể là gạo lứt và nhộng tằm. Quá trình nghiên cứu và thực hiện Đề tài đã thực hiện lặp đi lặp lại rất nhiều thí nghiệm để tối ưu về chủng giống, môi trường dinh dưỡng, nuôi trồng thích hợp giúp ĐTHT phát triển tốt và đạt các giá trị dinh dưỡng cao. Trong đó, môi trường nuôi cấy ĐTHT ở bước giá thể và nuôi nhân giống nấm ĐTHT bắt buộc thực hiện trong điều kiện vô trùng, các bước để tối lên hệ sợi và để sáng lên thể quả được thực hiện trong môi trường nhiệt độ từ 20-250C và điều kiện ánh sáng phù hợp. Chu kỳ sinh trưởng đến khi phát triển trưởng thành của ĐTHT khoảng 45-50 ngày.

Nấm (ĐTHT) là một loại dược liệu, chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, giúp nâng cao hệ miễn dịch, kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị cho người bị bệnh về gan, mỡ máu, chống ung thư... Tiềm năng và thị trường đối với ĐTHT tương đối rộng rãi. Ngoài các sản phẩm chính gồm: ĐTHT tươi và khô, Trung tâm đã nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm khác từ ĐTHT dạng viên, trà, ĐTHT ngâm mật ong, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, Trung tâm duy trì nuôi cấy khoảng 1.000 bình ĐTHT, khi trưởng thành, mỗi bình cho thu khoảng 20g, trung bình mỗi năm cho thu 1 tạ nấm tươi, với giá bán 8 triệu đồng/kg nấm tươi, tổng giá trị gần 1 tỷ đồng. Bà Đỗ Hải Lan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc, cho biết: Sản phẩm ĐTHT do Trung tâm nghiên cứu có chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhưng quy mô nhỏ lẻ và do cá nhân thực hiện. Khó khăn lớn nhất của Trung tâm hiện nay là khâu thương mại hóa sản phẩm. Theo Luật Doanh nghiệp, không cho phép thành lập doanh nghiệp trong trường học, trong khi đó Trung tâm lại trực thuộc Trường Đại học Tây Bắc nên không được phép đăng ký kinh doanh, kéo theo không đăng ký được chất lượng sản phẩm. Hy vọng thời gian tới, khi Luật Giáo dục thay đổi, cho phép thành lập doanh nghiệp trong trường học, chúng tôi mới được phép thương mại hóa sản phẩm và như vậy thị trường sẽ được mở rộng hơn.

Với quy trình sản xuất phôi giống ĐTHT yêu cầu trong điều kiện môi trường vô trùng, áp dụng công thức định lượng nên sản xuất tại các hộ gia đình rất khó thực hiện. Do đó, Trung tâm đã sản xuất, cung cấp phôi giống ĐTHT cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh, với giá 45.000 đồng/bình. Nuôi trồng 30-35 ngày từ giai đoạn thể quả đến khi trưởng thành mỗi bình cho thu khoảng 20g ĐTHT, tính ra lợi nhuận khoảng 130.000 đồng/bình.  

Những thành công bước đầu từ kết quả nghiên cứu nuôi trồng ĐTHT, đã cho ra thành phẩm, riêng trên địa bàn tỉnh, có thể phát triển nuôi ĐTHT tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Thuận Châu kết hợp với du lịch, tạo sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương. Đồng thời, việc đưa vào sản xuất đại trà quy mô hộ gia đình, giảm giá thành sản phẩm, ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng sản phẩm.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới