Nuôi cá lồng ở quỳnh nhai: Khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm

Để khai thác trên 10.500 ha mặt hồ, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã khuyến khích người dân vùng lòng hồ khai thác diện tích mặt nước, phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Đây là hướng đi góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân không còn đất sản xuất khu vực ven lòng hồ thủy điện Sơn La.

Hợp tác xã Hợp Lực hiện có 210 lồng cá ở địa bàn xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai). 

Nhưng quá trình phát triển, người nuôi cá gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, họ đang rất mong các cấp, các ngành quan tâm để nghề nuôi cá vùng lòng hồ thực sự phát triển bền vững.

Trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai hiện có 1.890 lồng cá; trong đó, 1.680 lồng hoạt động theo hình thức HTX quản lý với 29 HTX, 308 thành viên, chủ yếu tập trung ở các xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, Nậm Ét, Mường Giàng và Mường Sại. Để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng, huyện đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân; xây dựng mô hình khuyến nông; tổ chức chuyển giao kỹ thuật trang bị kiến thức và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản; thành lập các HTX thủy sản... Do vậy, các loại cá được nuôi đảm bảo đúng kỹ thuật, thức ăn có nguồn gốc, cá có chất lượng cao. Tuy nhiên, khi cá đủ điều kiện xuất bán thì chưa có doanh nghiệp hay đơn vị nào đứng ra thu mua sản phẩm cho người nuôi cá, phần lớn người dân trên địa bàn đều tự tìm mối tiêu thụ, cung cấp nhỏ lẻ cho các nhà hàng trong tỉnh và tỉnh Điện Biên.

HTX Hợp Lực có quy mô 210 lồng cá, gồm các loại cá lăng đen, lăng hoa, trê, trắm, chép, diêu hồng, rô phi, nheo với sản lượng hơn 100 tấn/năm, nhưng 11 tháng qua, chỉ bán được hơn 10 tấn cá các loại vì chưa liên kết được với hệ thống siêu thị hay thị trường lớn nào. Ông Nguyễn Hữu Lễ, thành viên HTX Hợp Lực, cho biết: Hiện, HTX đã được chứng nhận nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên HTX cần có thời gian để gây dựng thương hiệu, khi đã có thương hiệu chắc chắn giá cá sẽ tăng; còn bây giờ HTX chủ yếu cung cấp nhỏ lẻ cho các nhà hàng và khu dịch vụ câu cá thư giãn trong tỉnh. Hơn nữa, việc bán cá nhỏ lẻ rất ảnh hưởng tới chất lượng cá, vì mỗi lần kéo lưới, bắt cá lên bán, khách hàng chỉ lựa chọn con vừa ý còn lại tiếp tục thả xuống lồng nuôi, như vậy, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của cá. Cũng do bán nhỏ lẻ nên việc thu hồi vốn để quay vòng vừa khó, vừa chậm.

Ông Lò Văn Khặn, Giám đốc HTX thủy sản Chiềng Bằng là một trong những người nuôi cá đầu tiên trên lòng hồ sông Đà, bày tỏ: Hơn 6 năm nuôi cá trên hồ sông Đà, điều làm tôi lo nhất là đầu ra cho sản phẩm. Gia đình tôi hiện có 32 lồng cá, mỗi năm có thể cung cấp ra thị trường 15 đến 20 tấn cá và hiện nay đang có nhu cầu tiêu thụ 12 tấn cá lăng, nhưng chưa có ai thu mua một lúc toàn bộ số cá này, nên giờ chỉ bán nhỏ lẻ cho các nhà hàng trong tỉnh và tỉnh Điện Biên. Vì vậy, cá bán không được giá, 11 tháng qua, gia đình tôi chỉ tiêu thụ được 5 tấn cá các loại, thu về gần 40 triệu đồng, trừ chi phí lãi 25 triệu đồng. Hiện tại, HTX có 45 thành viên cũng đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ cá thành phẩm. Nếu đầu ra ổn định thì bà con xã viên có khả năng mở rộng quy mô gấp 10 lần so với bây giờ. Rất mong các cấp, ngành quan tâm giúp đỡ về đầu ra của sản phẩm cho người dân.

Chúng tôi có mặt tại xã Nậm Ét, đây là địa phương mới áp dụng mô hình nuôi cá lồng từ năm 2014. Được biết, việc nuôi cá lồng ở đây rất thuận lợi, bởi môi trường nước sạch, phù hợp với nhiều loại cá, thức ăn cho cá rất dễ kiếm, như lá chuối, ngô, sắn, cỏ voi... Từ lúc thả cá có trọng lượng 4-5 lạng/con thì sau 6 tháng nuôi cá đạt 3 kg/con, trừ chi phí, người nuôi cá có thu nhập trung bình từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. So với làm nương thì việc nuôi cá đỡ vất vả hơn nhiều, hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ lúc chỉ có 6 lồng năm 2014, đến nay Nậm Ét tăng lên 169 lồng, với 64 hộ nuôi, trong đó, có 19 hộ tham gia mô hình hợp tác xã với 63 lồng, bây giờ cuộc sống của người nuôi cá đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, vào thời điểm này, nhiều lồng cá đã đến lúc xuất bán, nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn khó khăn; việc tiêu thụ sản phẩm của người nuôi cá chỉ dừng ở mức bán lẻ, nhiều hộ đã có đàn cá trắm lớn từ 8-10kg/con, với giá bán dao động từ 80-100 nghìn đồng/kg tùy từng loại cá.

Trao đổi vấn đề này với ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, được biết: Trong thời gian qua, huyện đã tổ chức triển khai chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ tới nhân dân trên địa bàn. Huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ 153 hộ nuôi cá thuộc 19 HTX, với mức 5 triệu đồng/lồng. Việc lo đầu ra cho sản phẩm của người nuôi cá là vấn đề huyện đang quan tâm, trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các ban, ngành trong tỉnh, liên kết với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ khâu kỹ thuật làm lồng, lựa chọn cá giống đến kỹ thuật nuôi cá... Đồng thời, có các bước kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Trước mắt, huyện vẫn khuyến khích người dân mở rộng mô hình để hình thành vùng nuôi thả cá với quy mô chuyên nghiệp hơn.

Mô hình nuôi cá ở Quỳnh Nhai ngày càng được mở rộng, sản lượng trên 1.500 tấn/năm, với nhiều loại cá có chất lượng cao. Để nghề nuôi cá phát triển bền vững, huyện Quỳnh Nhai cần tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân áp dụng kỹ thuật mới trong nuôi cá lồng, tìm kiếm doanh nghiệp đứng ra chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân... Cùng với đó, việc gây dựng thương hiệu cá Quỳnh Nhai cũng cần được các cấp, các ngành trong huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện... 

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới