“Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Đó là chủ đề của Ngày nước thế giới 22/3/2019, hướng đến giải quyết các khủng hoảng về nước; để mọi người, các hộ gia đình, trường học, nơi làm việc, trang trại, nhà máy... đều được tiếp cận với nguồn nước an toàn, theo khẩu hiệu “dù bạn là ai, dù bạn ở đâu, nước là quyền của con người bạn”.

Mặt đỏ găng, giọng ông trung niên hăng hái:

- Nước là một phần quan trọng, thiết yếu của cuộc sống. Chỉ có được tiếp cận và sử dụng nguồn nước an toàn mới bảo đảm sức khỏe cộng đồng, yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Không thể phát triển ổn định và thịnh vượng khi con người sống và làm việc mà không có nguồn nước sử dụng an toàn. Không được tiếp cận với nguồn nước an toàn còn tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người sống trong vùng đặc biệt khó khăn, người khuyết tật và nhiều đối tượng khác. Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nguồn nước, bởi các nguyên nhân: Suy giảm hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...

Xòe hai bàn tay, bác da ngăm ngăm nói liền một mạch:

- Đối với tỉnh ta, nguồn tài nguyên nước (gồm hệ thống sông suối, ao hồ, nước mặt, nước ngầm...) khá dồi dào. Dù vậy, không thể chủ quan, buông lỏng công tác quản lý. Thực tế cho thấy, tài nguyên nước đang có nguy cơ suy giảm, cạn kiện do sử dụng lãng phí, gia tăng dân số, thêm nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến... Nguy hiểm hơn, ở một vài địa bàn, nguồn nước đã và đang bị ô nhiễm và có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Thế nên, cần gắn trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan quản lý tài nguyên nước, các cấp chính quyền; xây dựng hệ thống tích nước, thủy lợi, phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nước thải để kiểm soát số lượng và chất lượng nguồn nước...

Anh chàng nhỏ thó nhỏ nhẹ tham gia:

- Nhất thiết phải nghiên cứu các giải pháp khai thác, sử dụng nguồn nước, nhất là nước ngầm, tạo nguồn nước dự phòng ứng phó các sự cố về nước mặt, hệ thống cấp nước và biến đổi khí hậu; thiết lập hệ thống kiểm soát, cảnh báo chất lượng, trữ lượng nguồn nước; ứng dụng công nghệ cao, thiết bị thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; lựa chọn công nghệ và thiết bị tiên tiến, tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường, bảo đảm cấp nước an toàn. Cùng với đó, nghiên cứu, sản xuất vật tư, thiết bị ngành nước chất lượng cao. Đặc biệt, phải kiểm soát tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước để cải tạo, phục hồi và lập hành lang pháp lý bảo vệ nguồn nước; quan trắc hệ thống nước ngầm, đánh giá những biến động về trữ lượng, chất lượng nước.

Bình tĩnh trở lại, ông trung niên chậm rãi:

- Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước cả trước mắt và lâu dài, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng về tầm quan trọng của tài nguyên nước; siết chặt quản lý tài nguyên nước; thường xuyên thanh tra, kiểm tra chấp hành Luật Tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân; thực hiện các giải pháp quản lý nguồn nước một cách toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng nhanh với biến đổi khí hậu; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình từ nguồn nước, xử lý nước đến mạng lưới đường ống cấp nước với các trang thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống cấp nước và bảo đảm cấp nước an toàn...

Quang Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới