Nữ bác sỹ dân tộc Mông yêu nghề

Luôn tận tâm với người bệnh, nhiệt tình với đồng nghiệp, sáng tạo, đổi mới trong công việc, bác sỹ Mùa Thị Mai, Khoa Nội - Đông y, Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu được nhiều bệnh nhân tin tưởng.

Bác sỹ Mùa Thị Mai kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại Trạm.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp chị là một nữ bác sỹ nhanh nhẹn, giản dị. Tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi trước giờ nghỉ trưa, câu chauyện của tôi với chị diễn ra cởi mở. Sinh ra và lớn lên ở xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai), tuổi thơ của chị Mai cũng như nhiều bà con dân tộc còn nhiều khó khăn. Chứng kiến không ít trường hợp khi ốm đau vì nhiều lý do không đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, nên từ nhỏ, cô gái dân tộc Mông Mùa Thị Mai đã quyết tâm học tập để trở thành bác sỹ, chữa bệnh cứu người. Sau khi hoàn thành chương trình Trung học phổ thông, chị Mai theo học chuyên ngành Y sỹ y học cổ truyền tại Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, năm 2008, chị về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu. Trong quá trình công tác, chị tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý báu. Đến năm 2014, chị Mai được Bệnh viện cử đi học chuyên ngành Bác sỹ y học cổ truyền tại Trường Đại học Y Thái Bình để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Theo chị Mai, nghề y nói chung và kiến thức về y dược cổ truyền nói riêng từ xưa đến nay vô cùng sâu rộng. Điểm cốt lõi của phương pháp điều trị bằng y dược cổ truyền là chữa bệnh tận gốc, kinh phí thấp, ít tác dụng phụ, dễ áp dụng. Tuy nhiên, cần phải có thời gian dài, chuyển biến bệnh chậm, bệnh sẽ ổn định dần, sức khỏe được cải thiện. Do đó, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị, không được nghe và làm theo các kinh nghiệm tự bắt bệnh và chữa bệnh không có cơ sở khoa học, điều này ảnh trực tiếp đến sức khỏe, kinh tế của người bệnh và tác động tiêu cực đến sự nhìn nhận, đánh giá của xã hội về tác dụng, hiệu quả chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đối tượng đến khám, chữa bệnh ở đây phần lớn là những người dân tộc thiểu số, trung và cao tuổi, quen với cách chia sẻ chậm rãi, từ từ, càng rèn luyện ở chị sự bình tĩnh, tập trung lắng nghe và dành nhiều thời gian quan sát người bệnh, vừa là bác sỹ nhưng đồng thời cũng là một chuyên gia tâm lý, tùy lúc mà nghiêm, mà nhẹ nhàng với người bệnh cao tuổi.

Chị Mai chia sẻ thêm: Huyện Thuận Châu với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc biết tiếng địa phương rất thuận lợi trong việc khám, tư vấn, điều trị cho bệnh nhân. Có những cụ già từ tận các xã vùng cao, như: Co Mạ, Long Hẹ, Pá Lông... mắc các bệnh có thể chữa trị bằng đông y, do chủ quan ở nhà sử dụng các bài thuốc địa phương nhưng không khỏi dứt điểm, khi xuống viện thì đa phần bệnh đã nặng nên việc khám, điều trị mất nhiều thời gian và công sức khiến nhiều bệnh nhân nản chí, lúc đó mình lại phải dùng tiếng của đồng bào dân tộc để giải thích, thuyết phục bệnh nhân tuân theo phác đồ điều trị mới có thể giải quyết dứt điểm bệnh tật, qua đó, bệnh nhân thay đổi suy nghĩ và yên tâm điều trị tại bệnh viện.

Chị Lò Thị Kim, xã Nậm Lầu (Thuận Châu) bị đau dây thần kinh liên sườn, khiến chị bị đau liên tục suốt ngày đêm, nhất là mỗi khi thay đổi tư thế, hít thở sâu hoặc vận động thì mức độ đau càng tăng lên, rồi hay sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân... Khi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu, được điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền, chị thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Chị Kim phấn khởi: Nhờ sự động viên, giúp đỡ tận tình cũng như tay nghề của các y, bác sỹ trong bệnh viện, nhất là sự quan tâm, tận tình của bác sỹ Mùa Thị Mai, đến nay các cơn đau của tôi đã giảm hẳn, sức khỏe tốt lên, tinh thần tôi cũng phấn trấn hơn.

Bác sỹ CKI Quàng Văn Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu, nhận xét: Bác sỹ Mùa Thị Mai là bác sỹ trẻ, năng động, tâm huyết với nghề, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong quá trình công tác, bác sỹ Mai không ngừng phấn đấu, trau dồi nghề nghiệp, y đức, nhất là thái độ phục vụ bệnh nhân. Bác sỹ Mai là tấm gương sáng cho các y, bác sỹ trong bệnh viện noi theo và là điển hình tiêu biểu của huyện Thuận Châu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Không chỉ thực hiện việc khám, chữa bệnh tại bệnh viện, với lòng yêu nghề, hết lòng vì người bệnh và tinh thần của tuổi trẻ, bác sỹ Mùa Thị Mai tình nguyện đến các Trạm Y tế xã vùng cao, vùng xa để khám, điều trị cho nhân dân và hướng dẫn đội ngũ cán bộ y tế cơ sở các nghiệp vụ chuyên môn, chẩn đoán và điều trị bệnh một cách hiệu quả, kịp thời. Những chuyến công tác ấy, những kỷ niệm về tình cảm chân thành của bà con khiến chị càng có thêm động lực để thực hiện nhiều chuyến khám, chữa bệnh cho người dân ngay tại cơ sở.

Yêu nghề, hết lòng vì người bệnh, sống có lý tưởng là mục tiêu mà bác sỹ Mùa Thị Mai đã và đang thực hiện. Với chị, niềm tin của bệnh nhân, nụ cười, ánh mắt thay lời cảm ơn của người bệnh là niềm vui, niềm hạnh phúc không gì thay thế được và với chị, y đức là thước đo của sự thành công.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới