Nơi ươm những “mầm xanh”

Chúng tôi đến Trường Mầm non Hoa Đào, xã Mường Cai (Sông Mã) trong một ngày cuối tháng 5, trường được xây dựng khá khang trang, không gian rộng, thoáng mát, có vườn hoa, sân chơi, cầu trượt ngoài trời cho các bé vui chơi...

Cô và trò tại Trường Mầm non Hoa Đào Mường Cai (Sông Mã).

Tiếp chúng tôi trong căn phòng rộng rãi, cô giáo Lê Thị Dần, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện trường có 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ dạy học và chăm sóc trẻ ở 14 điểm trường (1 điểm trung tâm và 13 điểm lẻ ở các bản), với 21 lớp học. Trong các năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã gắn thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua với công tác chuyên môn như: “Dạy tốt - học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp và an toàn”... Mặt khác, nhà trường tăng cường dự giờ giáo viên để bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ và vận dụng các phần mềm hỗ trợ cho công tác quản lý nhà trường. Bên cạch đó, phân công giáo viên trẻ, nhiệt tình, có năng lực, biết tiếng dân tộc đứng lớp ở các điểm trường lẻ tại các bản, từng bước nâng cao chất lượng dạy học và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ một cách toàn diện.

Công tác giáo dục trẻ được chú trọng, tăng cường các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, 100% trẻ 5 tuổi được đánh giá theo Bộ chuẩn phát triển của trẻ 5 tuổi; 100% học sinh được tổ chức học 2 buổi/ngày. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thi triển lãm tranh của trẻ; xây dựng góc “Bé khéo tay”; chương trình ngày hội vui khỏe với các trò chơi dân gian như: Ô ăn quan, nhảy dây, nhảy lò cò... Đặc biệt, tại điểm trường trung tâm đã dành một không gian để bé sáng tạo góc dân gian...

Cô giáo Đoàn Thị Kim Anh, dạy tại điểm trường trung tâm đã gắn bó với trường 7 năm chia sẻ: Năm nay, tôi được giao phụ trách lớp mẫu giáo 5 tuổi, với 31 trẻ. Các cháu đều ngoan, tiếp thu kiến thức tốt. Tuy nhiên, do đa số các cháu là người dân tộc nên còn rụt rè, bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò nên tôi đã được nhà trường tạo điều kiện tham gia các lớp học tiếng dân tộc Thái, Mông. Ngoài ra, tôi còn học ở đồng nghiệp, bà con trong bản để việc dạy học được thuận lợi.

Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho trẻ luôn được quan tâm. Các giáo viên nắm vững kiến thức và kỹ năng thực hành về công tác phòng tránh, xử lý một số tai nạn thường gặp ở trường mầm non, bảo đảm an toàn cho các trẻ khi đến trường. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức nấu ăn bán trú cho 76 cháu, mua sắm một số trang thiết bị cơ bản phục vụ cho bếp ăn theo qui trình bếp một chiều. Đồng thời, ký cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm với nhà cung cấp thực phẩm; thực hiện lưu mẫu thức ăn hằng ngày. Các cháu được hưởng chế độ trợ cấp 120.000 đồng/tháng/cháu theo Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ ăn bữa trưa. Ngoài ra, mỗi giáo viên tự trồng rau để hỗ trợ rau xanh cho các cháu đủ trong 2 tuần/tháng. Các cháu được cân, đo, khám sức khỏe định kỳ theo dõi biểu đồ tăng trưởng. Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng toàn trường giảm còn 2,3%, trong đó suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 1,5%.

Tuy đa số lớp học ở các điểm trường lẻ đều là phòng tạm, có lớp học phải nhờ nhà văn hóa của bản; đường sá đi lại khó khăn. Song, năm học vừa qua, Trường Mầm non Hoa Đào Mường Cai có 2 cô giáo đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 5 giáo viên dạy giỏi cấp trường; 98% học sinh đạt bé ngoan và bé chuyên cần; 154 trẻ 5 tuổi đạt chất lượng chuẩn bị lên lớp 1. Đó là phần thưởng xứng đáng cho các cô giáo nơi biên giới đang lặng lẽ ươm những mầm xanh cho đời.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới