Nơi người bệnh trao niềm tin

Ngoài sự vất vả chung của những người khoác áo Blu trắng trong việc khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân, đội ngũ thầy thuốc ở Bệnh viện Phong và Da liễu Sơn La còn luôn nỗ lực để cộng đồng không kỳ thị với người bệnh và giúp bệnh nhân vượt lên mặc cảm về những di chứng bệnh tật, hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

 

Cán bộ Bệnh viện Phong và Da Liễu hướng dẫn người dân thực hiện các quy định trong điều trị bệnh cho trẻ.

 

Đến thăm các khoa của Bệnh viện Phong và Da liễu, chúng tôi nhận thấy, tuy lượng bệnh nhân khá đông nhưng tất cả đều ngăn nắp, sạch sẽ; bệnh nhân hài lòng với phương pháp điều trị cũng như thái độ ứng xử của các đội ngũ y, bác sỹ. Tại Khoa Khám bệnh, chúng tôi trò chuyện với bà Hoàng Thị Nọi, xã Chiềng Đông (Yên Châu), nhập viện ngày 28/1, bà nói: Trước khi nhập viện, tôi bị ngứa toàn thân, huyết áp tăng. Các bác sỹ chẩn đoán tôi bị nấm ngoài da, men gan tăng, huyết áp tăng cao. Mấy ngày qua, tôi được các bác sỹ tận tình chăm sóc, thường xuyên thăm hỏi, động viên giúp tôi yên tâm điều trị, đến nay bệnh đã đỡ nhiều. Bác sỹ nói sẽ sớm được xuất viện.

Tiền thân là Trung tâm Da liễu tỉnh, năm 2005, Bệnh viện Phong và Da liễu được thành lập, với nhiệm vụ: Khám, chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh phong và da liễu trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Bệnh viện có 2 phòng và 4 khoa chuyên môn, với 40 cán bộ viên chức và hợp đồng, trong đó 12 bác sỹ sau đại học, 1 dược sỹ đại học, 2 điều dưỡng viên đại học, 1 kỹ thuật viên đại học, còn lại là đại học chuyên ngành khác và trung cấp y. Ngoài khám, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện (Thành phố), đơn vị còn quản lý 35 bệnh nhân phong  tại Khoa Phục hồi chức năng, xã Chiềng Cang (Sông Mã). Chia sẻ về nhiệm vụ chữa trị cho người bệnh, bác sỹ Nguyễn Phúc Lâm, Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Sơn La cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để việc trị bệnh cứu người hiệu quả đó là năng lực chuyên môn của người thầy thuốc. Bởi vậy, ngoài tạo điều kiện cho các y, bác sỹ tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn tại các khóa học dài hạn, ngắn hạn ở các trường đại học chuyên ngành, các bệnh viện tuyến Trung ương, đơn vị còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, thảo luận bệnh án của bệnh nhân..., tìm phương pháp điều trị hiệu quả. Hiện nay, đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện đủ khả năng đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao.

Trong hoạt động, Bệnh viện luôn thực hiện nghiêm túc quy chế bệnh viện, quy chế chuyên môn; thực hiện được đa số các kỹ thuật cơ bản quy định của tuyến, bảo đảm chính xác, an toàn; áp dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh đến khám và điều trị chuyên khoa. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác khám, tư vấn và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh trong khẳng định kết quả và phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời, hướng dẫn người bệnh cách dùng thuốc, tư vấn phương pháp tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe... Hằng tháng, tổ chức họp với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để nắm bắt các ý kiến phản hồi về phương pháp điều trị và phong cách ứng xử của nhân viên y tế. Qua đó, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Hiện, đơn vị đang quản lý 263 bệnh nhân phong, 132 người tàn tật do di chứng bệnh phong và giám sát 22 bệnh nhân. Trung bình 1 tháng, Bệnh viện khám, điều trị hiệu quả cho 1.000-1.500 bệnh nhân mắc bệnh da liễu... Điều ghi nhận là, những năm qua, Bệnh viện không có đơn  thư khiếu nại về trách nhiệm, thái độ của cán bộ y tế  trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Khi nhắc đến bệnh phong, có lẽ ai cũng sợ bị lây nhiễm và chính bệnh nhân cũng mặc cảm về căn bệnh mình mắc phải. Vì vậy, đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Phong và Da liễu vừa thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị cho người bệnh, vừa tuyên truyền, hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân dân hiểu đúng về căn bệnh này. Đó là, bệnh phong không lây, nếu được điều trị sớm sẽ không để lại di chứng. Bác sỹ Nguyễn Phúc Lâm kể: Tại Khoa Phục hồi chức năng, xã Chiềng Cang (Sông Mã), Bệnh viện đang quản lý 35 người tàn phế do phong. Để giúp người bệnh vượt lên mặc cảm về căn bệnh, cũng như nhân dân trong khu vực không kỳ thị, Bệnh viện đã phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, giải thích. Cũng nhiều lần xoa bóp mỏm cụt cho người bệnh, các y, bác sỹ không sử dụng găng tay. Được chứng kiến những hình ảnh đó, sự mặc cảm và kỳ thị từng bước được xóa bỏ. Vì vậy, hàng chục năm nay đã có những trường hợp con em trong vùng kết hôn với con em của những người tàn phế do phong. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn làm cầu nối kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Trong đó, đã trồng được 3 ha xoài ghép và chăn nuôi trên 10 con bò, hiện đang phát triển tốt.

Tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện 12 điều y đức của ngành, đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh đã và đang góp sức chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân trong tỉnh, xứng đáng với niềm tin yêu của người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới