Nỗ lực thực hiện các giải pháp ngăn chặn và khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Là địa phương đầu tiên của tỉnh ghi nhận có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), những ngày qua, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, huyện Thuận Châu đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong tỉnh nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng khống chế dịch, không để dịch tiếp tục lây lan.

Các lực lượng chức năng huyện Thuận Châu tiêu hủy số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngay sau khi phát hiện ổ DTLCP tại xã Mường É và Mường Bám vào ngày 13 và 14/3, các lực lượng chức năng huyện Thuận Châu đã hướng dẫn địa phương khoanh vùng, tiêu độc sát trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi, tiêu hủy ngay những con lợn ốm, chết, nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh ra diện rộng theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tại bản Huổi Ái (xã Mường É) - nơi phát hiện bệnh dịch đầu tiên của huyện có 44 hộ dân, trong đó có 42 hộ chăn nuôi lợn với tổng số 108 con. Hiện, việc khống chế dịch tại bản đang gặp phải một số khó khăn do người dân có thói quen chăn thả, không nuôi nhốt, địa bàn giáp ranh với đường quốc lộ. Nguyên nhân ban đầu lây lan dịch được đưa ra là do bản Huổi Ái giáp ranh với huyện Tuần Giáo (Điện Biên) nơi đã công bố dịch, cùng với đó trên địa bàn có nhiều điểm tập kết các phương tiện chở gia súc qua lại.

Trao đổi với ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã Mường É, được biết: Xã đã yêu cầu các hộ chăn nuôi nhốt vật nuôi trong chuồng trại, không được chăn thả rông, tạm ngừng nuôi thêm lợn, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y; huy động lực lượng, trang thiết bị để chống dịch; tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và hố tự chôn hủy lợn bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt lợn ốm, chết. Đến nay, cơ bản bệnh DTLCP trên địa bàn đã được kiểm soát và khống chế; công tác khoanh vùng dập dịch, tổ chức tiêu hủy, chôn lấp lợn chết, ốm và tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại xã đang được chính quyền địa phương tổ chức thực hiện.

Ngay sau khi công bố bệnh DTLCP, tình hình kiểm soát bệnh dịch tại các xã có bệnh dịch được siết chặt hơn. Huyện Thuận Châu đã thành lập 2 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời tại bản Nà Cầu, xã Mường Bám và bản Pha Lao, xã Phổng Lái. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng trực 24/24 giờ, chốt chặn toàn bộ phương tiện và người qua lại vào vùng dịch để kiểm soát việc vận chuyển trái phép lợn mắc dịch, tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng tránh mầm bệnh phát tán. Bên cạnh đó, tăng cường cán bộ thú y bám sát cơ sở, chỉ đạo và hướng dẫn các xã phòng, chống bệnh DTLCP; chỉ đạo tiến hành phân vùng (vùng tâm ổ dịch, vùng bị uy hiếp và vùng đệm) và có giải pháp phòng dịch phù hợp. Trong phạm vi 3km tính từ tâm ổ dịch, phun khử trùng 1 lần/ngày trong tuần đầu và 3 lần/tuần trong tuần 2 và 1 lần/tuần đối với tuần 3 và tuần 4; đồng thời rắc vôi bột toàn bộ đường vào trung tâm xã, bản và hệ thống cống rãnh thoát nước; nghiêm cấm việc vứt xác lợn, sản phẩm của lợn ốm chết xuống mương, sông, suối, ao, hồ và phải tổ chức tiêu hủy 100% lợn ốm, chết theo đúng quy định. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng chống dịch; nghiêm túc thực hiện 5 không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn).

Ông Quàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Hiện nay, địa phương đã chuẩn bị sẵn nguồn kinh phí từ quỹ dự phòng để kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi tiêu hủy lợn theo quy định. Cụ thể, hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Riêng đối với các xã, thị trấn chưa xảy ra dịch, cần tăng cường kiểm tra giám sát, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các địa phương khác để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra. Cùng với đó, tăng cường thông tin tới người dân nâng cao nhận thức về việc nguy hại của bệnh dịch, không hoang mang và quay lưng với chăn nuôi lợn và thịt lợn an toàn.

Với các giải pháp đồng bộ cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, huyện Thuận Châu đang nỗ lực quyết tâm không để bệnh dịch DTLCP  lây lan, giảm thiệt hại thấp nhất cho người chăn nuôi.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới