Niềm vui nối những bến thuyền

Mơ ước tuyến đường bê tông mới nối bến thuyền, thay thế cho đường đất ven bờ gian nan của nhiều người dân sinh sống ở vùng ven sông Đà thuộc xã Chim Vàn (Bắc Yên) đã trở thành hiện thực. Đó là kết quả từ sự đồng thuận, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương khi đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Tuyến đường bến thuyền bản Cải B, xã Chim Vàn (Bắc Yên) được bê tông hóa.

 

Từ bến thuyền bản Phố, xã Mường Khoa, ngược lòng hồ sông Đà khoảng một giờ, chúng tôi tới bến thuyền bản Vàn, trung tâm của xã Chim Vàn. Từ xa, bến hiện ra với những chiếc thuyền lớn đang “ăn hàng” và hàng chục thuyền nhỏ neo đậu, khác hẳn với những bến thuyền xưa, đường đất gồ ghề bụi bặm khi nắng, trơn trượt khi mưa. Bến Chim Vàn khá thuận tiện bởi tuyến đường dài 1,2 km, chiều rộng 3 m và độ dày 18 cm, là công trình do “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với tổng kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 588 triệu đồng; nhân dân đóng góp 722 triệu đồng. Công trình được các bản trong xã góp sức xây dựng lần 1 năm 2020 với chiều dài 1 km; năm 2021, bà con bản Vàn tiếp tục hoàn thành 200 m còn lại.

Trong câu chuyện của ông Mùi Văn Duyệt, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Vàn còn vẹn nguyên hình ảnh về những ngày tháng vất vả, đôi chân lấm lem bùn đất khi thuyền cập bến, chiếc xe máy chật vật leo qua sỏi đá gập ghềnh ven bờ; lo nhất là người già, phụ nữ, học sinh và những người không vững tay lái... Ông Duyệt kể: Khi được hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, bà con trong bản mừng lắm; 190 hộ dân đã đóng góp trên 440 triệu đồng làm đường. Đến nay, tuyến đường đưa vào sử dụng giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, an toàn và tiết kiệm nhiều thời gian, công sức.

Bà con bản Cải B cũng có chung niềm vui, khi tuyến đường bến thuyền dài 440m được cứng hóa. Từ lâu, bến thuyền đã gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của hầu hết người dân khi di chuyển tới trung tâm xã và các địa phương khác trong huyện. Bản Cải B cách trung tâm xã khoảng 20 km đường đất, mất khoảng 1 tiếng 15 phút để di chuyển trong thời tiết thuận lợi; còn nếu đi đường thủy thì rút ngắn còn 30 phút. Nhu cầu đi lại thường xuyên của người dân và hoạt động vận chuyển, giao thương hàng hóa trong bản khá cao, nên ai cũng mong có con đường bến thuyền thuận lợi, kiên cố.

Ông Lò Văn Luân, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Cải B, chia sẻ: Bà con trong bản rất ủng hộ việc bê tông hóa tuyến đường nối bến thuyền, nhưng điều kiện kinh tế các hộ dân eo hẹp, kinh phí làm đường lớn. Thời điểm trước khi xây dựng, bản có gần 50% số hộ nghèo. Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng sự tuyên truyền tích cực từ huyện đến xã, bản, bà con đã quyết tâm vượt khó. Chúng tôi cùng nhau tính toán, công khai tất cả nội dung và chi phí để bà con cùng trao đổi, chia sẻ, qua đó nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao. Tuyến đường được xây dựng với kinh phí 484 triệu đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 217 triệu đồng, nhân dân đóng góp 266 triệu đồng.

Dòng sông Đà chảy qua địa phận 3/8 bản của xã Chim Vàn có chiều dài 23km, đã hình thành nên những bến thuyền phục vụ nhu cầu đi lại, là điểm hẹn giao thương hàng hóa trong lộ trình của những phiên chợ dọc sông; trở thành tuyến giao thông quan trọng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Đinh Thị Huyền, Chủ tịch UBND xã Chim Vàn, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, xã Chim Vàn đã có 2/3 tuyến đường đến bến thuyền được bê tông hóa. Còn bến thuyền bản Nà Tiến đang được nhân dân góp tiền, góp sức, chủ động san sửa mặt đường, cơ bản thuận lợi di chuyển vào mùa khô. Xã đang tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách và vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phấn đấu xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn nói chung và đường bến thuyền nói riêng.

Tuyến đường mới nối bến thuyền với trung tâm xã không chỉ giúp mỗi chuyến thuyền khởi hành và cập bến thuận lợi, những bến bờ với diện mạo mới còn là niềm vui, niềm tin của người dân Chim Vàn về những đổi thay trên mảnh đất ven sông còn nhiều khó khăn này.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới