Những tỷ phú nông dân trên cao nguyên

Ngoài sự cần cù, sáng tạo, họ còn có quyết tâm đến mức “liều lĩnh”, những người nông dân trên cao nguyên Mộc Châu đã và đang góp phần tạo nên bước ngoặt cho phát triển nông nghiệp ở địa phương. Rất nhiều gia đình trở nên giàu có nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Thung lũng mận hậu tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

             

Những “đại gia chân đất”

             

Mộc Châu những ngày tháng 7 không có cái nắng chói chang mùa hè, cảm giác mát dịu của vùng cao nguyên, màu xanh của những đồng cỏ, đồi chè nối tiếp nhau chạy dài ngút tầm mắt. Cùng thưởng thức chén chè xanh, chúng tôi được ông Lường Tiến Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu thống kê một loạt dài danh sách những gia đình được công nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp 5 năm (2015-2020), con số lên tới 5.725 hộ, ấn tượng nhất là có hàng trăm hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng mỗi năm trở lên. Sau phần giới thiệu, đích thân Chủ tịch Hội Nông dân huyện dẫn chúng tôi đến tận nơi để mục sở thị những cơ ngơi tiền tỷ của các “đại gia” nông dân trên cao nguyên.

             

Phủ lưới bảo vệ mận khỏi mưa đá là một cách làm sáng tạo của nông dân tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

             

Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là bản Tây Hưng, xã Chiềng Hắc. Trang trại của gia đình bà Đặng Thị Thủy, người phụ nữ bản lĩnh dám thế chấp cả gia tài của gia đình để vay vốn trồng cây ăn quả. Năm 2015, trước chủ trương khuyến khích trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, bà Thủy đã bàn với gia đình vay 1 tỷ đồng từ Agribank Mộc Châu để đầu tư trồng cây ăn quả. Trang trại bắt đầu với đủ các loại cây khác nhau, từ nhãn, cam, bưởi, xoài cho đến ổi, táo, na hoàng hậu... với tổng diện tích hơn 10 ha. Mỗi năm, trang trại lại được mở rộng, trải dài bên bờ suối Sập. Chỉ 3 năm sau, lứa quả đầu tiên đã cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Với vị trí giao thông thuận tiện, gia đình còn đầu tư làm đường bê tông dài hơn 2 km vào trang trại, xây dựng nhà sàn, kết hợp dịch vụ câu cá, ăn uống, trở thành địa chỉ trải nghiệm, thư giãn cuối tuần.

             

Nông dân tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.

             

Rời Chiềng Hắc, chúng tôi đến tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu, gặp ông Hạng A Sở, một tỷ phú dân tộc Mông, người có tài “điều khiển” cây mận hậu ra quả theo ý muốn. Trò chuyện với ông, chúng tôi cảm tưởng như tất cả những đam mê, nhiệt huyết ở một người đã qua tuổi lục tuần đều dành cho cây mận. Ông có thể nói chuyện hàng giờ về cây mận hậu, kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa đốn cành và thậm chí ước lượng được số quả có thể ra trên một cành để có được chất lượng quả cao nhất, bán được giá nhất. Với cách làm như vậy, 3 ha mận hậu đã mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm cho gia đình, chưa kể các loại cam, bưởi xen canh cũng đã bắt đầu cho thu hoạch.

             

Mô hình trồng rau an toàn của gia đình anh Nguyễn Văn Báu, bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu).

             

Ở Mộc Châu, nơi nào chúng tôi đến cũng đều gặp những “đại gia” nông dân thực thụ với những câu chuyện làm giàu từ gian khó. Đó là vườn hồng giòn thu nhập 900 triệu đồng/ha của ông Phạm Văn Quyết (tiểu khu 34, xã Tân Lập); vườn mận 500 triệu đồng/ha của ông Trịnh Viết Tương (tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu); mô hình trồng dâu tây 500 triệu đồng/ha của ông Vũ Văn Lực (bản Áng, xã Đông Sang)... Họ là những tỷ phú ngành nông nghiệp, là những nông dân kiểu mới, giàu có cả tinh thần và ý tưởng sản xuất, kinh doanh.

             

Đằng sau những con số ấn tượng

             

Phía sau những con số thu nhập ấn tượng, đó là những câu chuyện dài về hành trình vượt khó trên chính mảnh đất quê hương. Phần lớn trong số họ đều từng có một thời khó khăn, chật vật với cây ngô, thu nhập chỉ vài chục triệu đồng/ha, chưa đến giáp hạt, cái đói đã cận kề. Xưa nay, làm nông nghiệp chưa bao giờ là nhàn hạ. Kể về hành trình của mình, bà Đặng Thị Thủy nói: 2 năm đầu, gia đình tôi chỉ đổ tiền mua cây giống, phân bón, làm đường... Nợ, lãi chồng chất, nên cả gia đình không dám có ngày nghỉ, cứ lao vào làm việc cật lực. Bây giờ thành quả cũng đã được gặt hái, thu nhập từ vườn vừa trả nợ, vừa tái đầu tư sản xuất.

             

Trang trại kết hợp dịch vụ câu cá của gia đình bà Đặng Thị Thủy, bản Tây Hưng, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu).

             

Để có thu nhập tiền tỷ từ nông nghiệp, chỉ cần cù, chịu khó là chưa đủ, mà cần phải đổi mới tư duy, cách làm, tìm tòi học hỏi những mô hình hay, hiệu quả từ nơi khác. Đơn giản như cây mận hậu, một loại cây ăn quả có từ lâu tại Mộc Châu, với tổng diện tích hiện nay hơn 3.000 ha, nhưng không phải vườn mận của gia đình nào cũng có thu nhập vài trăm triệu/ha. Ông Hạng A Sở đã từng có những ngày tháng mải mê với vườn mận của mình, hết cắt tỉa lại ngồi quan sát, tính toán, bỏ biết bao nhiêu công sức để chăm bón, cứ làm năm trước để rút kinh nghiệm cho năm sau, lấy đó làm bài học để hướng dẫn lại bà con xung quanh. Hay như ông Trịnh Viết Tương chia sẻ: “Vườn mận 4 ha cho thu nhập mỗi năm gần 2 tỷ đồng. Năm nào thu dưới 1 tỷ đồng là chỉ hòa vốn, thậm chí không đủ tiền mua phân bón, hay trả tiền nhân công”. Thế mới biết, ngoài công sức, thì người nông dân phải mạnh dạn đầu tư thì mới có thành quả.

             

Còn ở xã Đông Sang, Mường Sang, nơi chúng tôi được gặp nhiều gia đình giàu lên nhờ trồng rau an toàn thì đổi lại là cả một quá trình dài cải tạo đồng đất, biến lợi thế của khí hậu, thổ nhưỡng miền cao nguyên thành nguồn lợi kinh tế. Chúng tôi nhớ hình ảnh anh Nguyễn Văn Báu, bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, với khuôn mặt rám nắng, vóc dáng nhỏ gầy, trông già hơn so với tuổi 40. Anh Báu chia sẻ: Trồng rau vất vả nhất là năm đầu tiên, từ năm thứ 2 trở đi thì mọi thứ vào guồng, công việc nhẹ nhàng hơn dù vẫn phải chăm chút từng ly từng tý. Nhưng cũng nhờ đó mà gia đình tôi có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm; sau 3 năm, hai vợ chồng đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, trị giá 1,7 tỷ đồng.

             

Tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật

             

Điểm chung của những tỷ phú trên cao nguyên Mộc Châu là họ luôn tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ cao, đưa những cái mới, sáng tạo vào sản xuất để tăng thu nhập, tăng giá trị sử dụng đất. Với nhà quản lý, những mô hình kinh tế thu nhập tiền tỷ thời gian qua đều được chọn làm điểm để quảng bá, nhân rộng, là địa chỉ để bà con nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Để nhân rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Chủ tịch Hội nông dân huyện Lường Tiến Quynh cho biết: Giải pháp trọng tâm trong thực hiện phong trào này là xây dựng tổ chức Hội với vai trò định hướng bà con nông dân và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Tăng cường liên kết giữa các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác và liên kết “4 nhà” để nâng cao hiệu quả chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo sự đoàn kết, tương trợ giữa nông dân với nhau trong cùng một khu vực để bà con học tập, giúp nhau làm kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.

             

Với định hướng về giải pháp cụ thể, những năm qua, rất nhiều dự án giảm nghèo vùng nông thôn đã được Hội Nông dân huyện triển khai với nguồn vốn huy động trị giá hàng tỷ đồng, hỗ trợ bà con cây, con giống, cung ứng hàng trăm tấn phân bón, vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt người mỗi năm. Hội trở thành cầu nối giúp hơn 1.800 hộ nông dân vay với tổng số tiền gần 160 tỷ đồng từ các ngân hàng và quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất. Kết hợp với các hoạt động kêu gọi xây dựng “Mái ấm nông dân”, giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức... Hội Nông dân huyện trở thành điểm tựa vững chắc, tiếp thêm động lực rất lớn để nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 4,94%.

             

Có thể nói, những người nông dân với nguồn thu tiền tỷ là những gam màu tươi sáng, góp phần làm nổi bật thêm bức tranh nông nghiệp trên cao nguyên Châu Mộc. Họ là những người tiên phong vượt khó, thoát nghèo, minh chứng cho ý chí làm giàu từ nông nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới