Những thầy thuốc nơi tuyến đầu phòng dịch

Bất kể ngày hay đêm, trời mưa, giá rét hay nắng nóng, khi có dịch bệnh xảy ra là các anh, các chị luôn khẩn trương có mặt. Đó là hình ảnh đẹp của đội ngũ thầy thuốc trên lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế Mường La diễn tập phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ảnh: Minh Thu

 

Mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta, một số bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội có xu hướng gia tăng về tỷ lệ mắc và tử vong, đó là các bệnh: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...; các loại bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm diễn biến phức tạp, như: Tay, chân, miệng; sởi; viêm não Nhật Bản; sốt xuất huyết... Riêng năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 11 ổ dịch, với 1.808 ca bệnh, gồm các dịch: Cúm, sốt xuất huyết Dengue, tay-chân-miệng, thủy đậu, ghẻ. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ cao xâm nhập vào địa bàn. Vì vậy, nhiệm vụ của những người thầy thuốc nặng nề hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hằng năm, ngành Y tế tỉnh chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở thông qua các lớp bồi dưỡng do ngành Y tế tổ chức hoặc theo học các khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II, chuyên ngành y tế dự phòng...

Trong năm 2020, ngành đã tổ chức 12 lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và lưu hành cho 468 viên chức y tế tuyến huyện, tuyến xã; 2 lớp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cho 220 nhân viên y tế tại 6 huyện thực hiện Dự án an ninh y tế tiểu vùng Mê Công mở rộng; tổ chức tập huấn phòng, chống dịch COVID-19 cho gần 300 cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Sơn La và  nhân viên y tế, giáo viên, cán bộ các xã: Đông Sang, Mường Sang, Tân Hợp (huyện Mộc Châu)...

Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đội ngũ thầy thuốc thường xuyên về cơ sở hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ những công việc thường ngày, như: Ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khu dân cư; vận động nhân dân cho con em đi tiêm các loại vắc xin phòng bệnh; khi có dịch xảy ra khẩn trương thực hiện các biện pháp xử trí, khoanh vùng, dập dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan, hạn chế số bệnh nhân mắc và số ca tử vong...

Bác sỹ Lê Hồng Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ: Mặc dù phải đối mặt trực tiếp với nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh nguy hiểm, nhưng chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Đơn cử như 3 giờ sáng ngày 31/1/2021, trước thông tin có trường hợp nghi dương tính với virus SARS-CoV-2 tại xã Mường Cơi (Phù Yên) và xã Mường Men (Vân Hồ), chúng tôi đã khẩn trương có mặt tại cơ sở, cùng với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Nhờ chủ động triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong những năm qua, nên đã ngăn chặn kịp thời và khống chế các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn. Trong đó, đã loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới; là 1 trong 25 tỉnh trong cả nước được công nhận loại trừ bệnh sốt rét; hằng năm tổ chức tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trên 90% số trẻ trong độ tuổi; triển khai nhiều giải pháp phòng, chống HIV/AIDS. Một số bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng được thanh toán như bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh trên qui mô huyện. Nhiều bệnh truyền nhiễm có số ca mắc giảm rõ rệt, như: Ho gà, bạch hầu, uốn ván...

Từ đầu năm 2020 đến nay, những người thầy thuốc đã nỗ lực hết mình trên trận tuyến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, Ban Chỉ đạo 202 tỉnh chỉ đạo tổ chức diễn tập phòng chống dịch COVID-19 tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, với hàng nghìn cán bộ, bác sỹ, y sỹ, nhân viên y tế của các cơ quan y tế từ tỉnh đến trạm y tế các xã tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. 14 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch COVID-19 (2 đội cấp tỉnh, 12 đội cấp huyện), thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh khi có yêu cầu và thực hiện lệnh điều động của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo 202 tỉnh và Sở Y tế... Đến nay, toàn tỉnh đã lấy hơn 1 nghìn mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm sàng lọc virus SARS- CoV-2; tham gia chăm sóc, theo dõi diễn biến sức khỏe của các trường hợp thực hiện cách ly tại các đợt cách ly y tế tập trung...

Dẫu biết rằng, trong thực hiện nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng những người thầy thuốc trên lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh vẫn luôn nỗ lực phấn đấu, với mong muốn ngăn chặn dịch bệnh lây lan, góp sức bảo vệ tốt sức khỏe cho nhân dân.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới