NHỮNG NGUY CƠ TIỀM ẨN VỀ SỨC KHỎE KHI THIẾU NƯỚC SẠCH

Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu cấp thiết, cơ bản trong đời sống hàng ngày của con người. Con người, động vật và thực vật sẽ không thể tồn tại nếu thiếu nước.

Thế nhưng, thực trạng hiện nay cho thấy chúng ta đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường và khan hiếm nguồn nước sạch. Theo thống kê toàn cầu về nước và sức khỏe: mỗi năm có 4 tỷ ca mắc bệnh tiêu chảy trên toàn thế giới; 1,5 triệu ca tử vong do bệnh tiêu chảy mỗi năm vì nước không an toàn, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân kém. Thiếu nước sạch tạo nhiều tác động tiêu cực đến đời sống con người, một trong số đó là việc bệnh tật luôn rình rập từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi. Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên – Môi trường, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém và theo Cục Quản lý tài nguyên nước đưa ra thông tin có tới 80% trường hợp bệnh tật ở Việt Nam do nguồn nước bị ô nhiễm gây ra. Vậy khi sử dụng nước kém chất lượng, chưa hợp vệ sinh thì chúng ta phải đối mặt với những bệnh nào?

Bệnh đường tiêu hóa:  với các bệnh thường gặp như: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A bại liệt… Bệnh thường xảy ra do người khỏe ăn hoặc uống phải những thực phẩm, nước uống bị nhiễm vi khuẩn có trong phân người ( do không rủa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ, sau đó cầm vào thức ăn hoặc do ruồi, gián đậu lên thức ăn, nước uống không được đậy kín…). Sau khi ăn hoặc uống các loại nước đã nhiễm vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng gây bệnh chúng ta rất dễ dàng bị mắc bệnh. Tuy nhiên, các bệnh lây truyền trên đều có thể ngăn ngừa được nếu chúng ta thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản như: Rửa tay với xà phòng và nước sạch tại các thời điểm trước khi ăn, sau khi đại tiện hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh.Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn các thức ăn đã ôi thiu. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng và bảo quản tốt các nguồn nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ. Diệt các laoi côn trùng có nguy cơ truyền bệnh như ruồi, gián và chuột.

Bệnh giun sán: giun đữa, giun tóc, giun móc, giun kim thường lây truyền do trứng giun của người bệnh theo phân ra ngoài rồi lại vào hệ tiêu hóa của người khỏe qua thức ăn, nước uống nhiễm bẩn hoặc chui qua da người vào cơ thể và gây bệnh. Ấu trùng của các loại sán lại từ phân người bệnh vào nước hoặc sống kí sinh trong ốc, cá ăn ốc có ấu trùng sán sẽ nhiễm sán. Người hay gia súc ăn cá, thịt không nấu chín cũng sẽ mắc bệnh. Để phòng bệnh giun sán, chúng ta không nên ăn gỏi cá, không ăn các loại gia súc bị bệnh chết, không đi chân đất hay để trẻ nhỏ mặc quần áo thủng đũng, đặc biệt cần chú ý tẩy giun, sán theo định kỳ và theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Bệnh do muỗi truyền: những bệnh do muỗi thường thấy là bệnh sốt rét, sốt suất huyết, viêm não Nhật Bản…Các bệnh này dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch lớn. Bệnh lây truyền bằng cách: muỗi đốt người bi bệnh sau đó đốt người khỏe mạnh, mầm bệnh sẽ truyền vào người khỏe qua vết đốt của muỗi. Để không bị muỗi đốt, khi ngủ chúng ta nên ngủ trong màn, tẩm màn bằng hóa chất, phun thuốc diệt muỗi và đốt hương muỗi trong nhà. Bên cạnh đó phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm quanh nhà và thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh; diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt đồng thời lật úp nhũng dụng cụ chứa nước không dùng đến; thường xuyên tổng vệ sinh dọn sạch ao tù nước đọng.

Các bệnh về mắt, ngoài da, bệnh phụ khoa: đa phần các bệnh về mắt, bệnh ngoài da và bệnh phụ khoa có thể truyền từ người bệnh sang người lành qua nước. Bởi vậy để phòng tránh các bệnh này  cần có đủ nước sạch để sử dụng hàng ngày, đồng thời thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, tắm rửa hay giặt giũ phải dùng xà phòng và nước sạch, mỗi người phải sử dụng một khăn mặt riêng. Không dùng chung quần áo với người bệnh và không mặc quần áo còn ẩm.

Việc cung cấp đủ nước sạch và an toàn để ăn uống, sinh hoạt, sản xuất thực phẩm hoặc các mục đích giải trí có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Cải thiện việc cấp nước, vệ sinh môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên nước tốt, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia và đóng góp đáng kể vào việc xóa đói, giảm nghèo. Khi nguồn nước được cải thiện và dễ tiếp cận, mọi người chỉ cần tốn ít thời gian và công sức trong việc lấy nước. Điều này cũng giúp cho các cá nhân an toàn hơn do không phải thực hiện những chuyến đi dài hoặc nguy hiểm để lấy nước. Nguồn nước tốt hơn cũng có nghĩa là ít phải chi tiêu về y tế, bởi vì họ ít ốm đau và giảm chi phí chữa bệnh, và có sức khỏe tốt hơn để làm kinh tế. Đặc biệt đối với trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua nước, tiếp cận với nguồn nước sạch có thể giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn và vì vậy mà việc học tập sẽ tốt hơn, mang lại tương lai lâu dài cho cuộc sống của trẻ.

Trong 5 năm qua, với sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh; trong tổng số dân nông thôn khoảng 1.009.764 người, số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng 828.000 người tương ứng tỷ lệ đạt 82%. Trong quyết định số: 3414/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015–2020 và định hướng 2025 đã đưa ra mục tiêu về cấp nước sạch phục vụ cho sinh hoạt nông thôn như sau:

Đến hết năm 2020: phấn đấu 95% dân số nông thôn được  sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 65% số hộ nông thôn được cung cấp nước sạch.

Đến hết năm 2025: phấn đấu 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 80% số hộ nông thôn được cung cấp nước sạch.

Để đạt được mục tiêu về cấp nước sạch phục vụ cho sinh hoạt nông thôn từ giờ tới năm 2025, ngoài việc đẩy mạnh công tác truyên thông tuyên truyền công bố rộng rãi về quy hoạch đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tới các hộ nông dân thì cần đưa ra những giải pháp thích hợp về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, cũng như các giải pháp về chính sách và công nghệ. Bên cạnh đó Trung tâm Nước sạch & VSMTNT tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch họp dân tuyên truyền về vai trò nước sạch, những lợi ích có được khi người dân tham gia đấu nối sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung đã và đang chuẩn bị khởi công xây dựng để nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người dân.

Lường Nguyễn Quỳnh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới