Những người trẻ “giữ hồn” văn hóa dân tộc Thái

Là cộng đồng chiếm số đông với 54% tổng dân số trong tỉnh, dân tộc Thái có nhiều nét văn hóa truyền thống phong phú đa dạng, đậm bản sắc dân tộc, góp phần tô đẹp bức tranh sắc màu văn hóa Sơn La nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung. Trước nhịp sống công nghệ hiện nay, nhiều bạn trẻ sao nhãng bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, thì vẫn còn một số bạn trẻ dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh đang dành nhiều tâm huyết, ngày đêm miệt mài “giữ hồn” văn hóa dân tộc.

“Thổi hồn” văn hóa Thái bằng âm nhạc hiện đại

Tình cờ lên mạng xã hội facebook, thấy nhiều bạn trẻ chia sẻ và bình luận MV “Xằng ái êm lụ pày hươn phùa” (lời nói với cha mẹ khi con về nhà chồng) trên kênh youtube với cái tên “Phong Hạo entertaiment”, tôi “click” vào xem thấy khá bất ngờ, khi trên nền nhạc hiện đại là một bài hát bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Thái. Điều hấp dẫn xuyên suốt MV dài gần 7 phút là những hình ảnh núi rừng Sơn La, Tây Bắc tươi đẹp, những cánh đồng xanh mướt, những nếp nhà sàn thấp thoáng, những chàng trai, cô gái Thái trong bộ trang phục truyền thống, đậm bản sắc. Và một điều đặc biệt trong MV là cách lồng ghép những nét đẹp văn hóa Thái, như: Tục “tằng cẩu”, thủ tục xin đón dâu về nhà chồng..., khiến cho người xem không thể rời mắt. Tìm hiểu biết được, chủ nhân của MV là chàng trai trẻ Quàng Văn Phong (nghệ danh Phong Hạo), sinh năm 1992, quê ở bản Pằn Nà, xã Tông Lạnh (Thuận Châu), tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm âm nhạc, Khoa nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện tại, anh Phong đang là Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Pascal (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Anh Phong chia sẻ: Là người dân tộc Thái, thấy ngay ở quê hương, nhiều người trẻ không biết nói tiếng mẹ đẻ, có bạn thì chỉ hiểu nghĩa mà không nói được tiếng Thái. Được đào tạo bài bản về âm nhạc, thấy âm nhạc có sức lôi cuốn thế hệ trẻ dân tộc Thái tiếp cận gần hơn với tiếng ngôn ngữ mẹ đẻ, tôi đã ấp ủ ý tưởng sáng tác các bài hát bằng tiếng dân tộc Thái và phối trên nền nhạc hiện đại. Năm 2016, tôi cho ra đời sản phẩm âm nhạc tiếng Thái, thực hiện quay MV đầu tiên và chỉ sau 12 tiếng ra mắt, bài hát đã thu hút đông đảo người xem trên mạng facebook, youtube với hàng trăm lượt chia sẻ. Có thêm động lực, từ năm 2016 đến nay, tôi đã liên tiếp sáng tác khoảng 30 ca khúc và ra chuỗi MV với 20 ca khúc, ngoài phản ánh về văn hóa dân tộc Thái, còn nói về vấn nạn, tệ nạn xã hội và lấy chất liệu âm nhạc từ dân ca Thái.

MV “Xằng ái êm lụ pày hươn phùa” (Lời nói với cha mẹ khi con về nhà chồng) của Quàng Văn Phong thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

MV "xống lụ pày hươn phùa" (Tiễn con về nhà chồng) của Quàng Văn Phong thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Được biết, hiện nay, những ca khúc do anh Phong sáng tác, ra MV, đã có hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt người xem và yêu thích, đối tượng khán giả không chỉ có giới trẻ mà còn có cả người già, lứa tuổi trung niên và các em nhỏ trong cộng đồng người Thái đón nhận nhiệt tình. Đặc biệt, các ca khúc của anh Phong đã được nhiều bạn trẻ thể hiện tại các buổi giao lưu văn hóa Thái và chào đón tân sinh viên dân tộc Thái tại Hà Nội, hoặc trong sự kiện quan trọng, như: Đám cưới, ngày lễ quan trọng của người Thái trên các vùng miền trong toàn quốc. Anh Phong chia sẻ thêm: Mừng nhất là hiện nay có một số bạn trẻ độ tuổi “2k” là người Thái, như em Lò Khánh Ly (Mai Sơn), Lò Thùy Vy (Thuận Châu), Lò Thúy Lan, tỉnh Điện Biên có chất giọng tốt, xin “cover” lại các ca khúc do anh sáng tác. Anh Phong cũng đang hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo, sáng tác ca khúc cho các bạn thể hiện, ra MV và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đến nay, các bạn đã có những fan hâm mộ của riêng mình. Phần thưởng cho những nỗ lực là tháng 8 vừa qua, kênh youtube của anh Phong đã nhận được nút Bạc do youtube trao tặng (Giải thưởng nhà sáng tạo Bạc cho các kênh vượt qua mốc 100.000 người đăng ký). Anh cũng đang ấp ủ thời gian tới tiếp tục làm phim ca nhạc dài tập về câu chuyện dân gian của người Thái trên nền nhạc hiện đại, góp phần nâng tầm giá trị âm nhạc, giá trị ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc Thái.

Lớp học chữ Thái miễn phí

Cô giáo trẻ Hoàng Thị Quỳnh Trang, sinh năm 1990, quê ở thị trấn Thuận Châu, lại chọn một hướng đi khác, đó là mở lớp dạy chữ Thái miễn phí cho học sinh. Đến Trường THCS Chiềng Ly (Thuận Châu), nơi chị Trang đang dạy chữ Thái miễn phí cho gần 20 em học sinh của trường, không khí học khá sôi nổi hào hứng, bởi ngoài việc dạy chữ, cô còn kể các câu chuyện về lịch sử người Thái, đưa các câu “khắp” (hát Thái) vào bài học, tạo cho các em hứng thú, chăm chú theo dõi lắng nghe. Chia sẻ với chúng tôi, chị Trang cho biết: Vì yêu văn hóa truyền thống dân tộc mình nên tôi tự sưu tầm, tìm hiểu phong tục, tập quán, nét văn hóa dân gian của tổ tiên từ hồi còn học đại học. Càng đi sâu vào tìm hiểu, tôi càng say mê học hỏi, nghiên cứu học chữ Thái. Thấy các em học sinh nơi mình dạy biết nói nhưng không biết viết chữ Thái, năm 2018, tôi đã tự nguyện dạy miễn phí cho 15 học sinh; điều phấn khởi là hiện giờ, nhiều em đã biết viết, phát âm và ghép vần chữ Thái. Tôi mới được chuyển đến công tác tại Trường THCS Nậm Lầu, tôi sẽ tiếp tục dạy chữ Thái cho các em học sinh bán trú. Tôi cũng đang ấp ủ thực hiện Dự án làm bảng chữ cái tiếng Thái thông minh song ngữ Thái - Việt (dành cho tất cả độ tuổi, nhất là độ tuổi mầm non, giúp các bé hứng thú, dễ học, lại giữ được bản sắc dân tộc) và sẽ đưa đề tài này tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La năm 2021.

Lớp dạy chữ Thái miễn phí tại Trường THCS Chiềng Ly của cô giáo trẻ Hoàng Thị Quỳnh Trang.

Cũng với niềm đam mê chữ Thái như chị  Trang, chàng trai sinh năm 1990 Lò Văn Vui, bản Nam Niệu, xã Chiềng Đen (Thành phố) luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để lưu giữ được tiếng của dân tộc mình. Vào dịp hè 2 năm gần đây, bằng sự am hiểu về chữ Thái lại có niềm say mê, tâm huyết, anh Vui đã đứng ra xin ý kiến Ban quản lý bản mở lớp dạy chữ Thái miễn phí tại Nhà văn hóa bản cho các em học sinh. Anh Vui cho biết, anh rất hạnh phúc khi được góp sức mình vào việc giữ gìn tiếng Thái, anh sẽ không dừng lại việc truyền dạy chữ Thái, bởi theo anh, những người trẻ cần có trách nhiệm trong việc bảo tồn chữ viết, tiếng nói dân tộc mình.

Chàng trai “9x” Lò Văn Vui dạy chữ Thái cho các em trong bản.

 

Nơi hội tụ những người yêu thích văn hóa Thái

 

Có một nhóm bạn trẻ người Thái giờ đây cũng đang tích cực gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Trang Fanpage trên facebook với tên gọi “Nhóm yêu văn hóa Thái” (Bón tọp hôm ỉn muôn khắp xe tay) là một điển hình như thế. Với sức trẻ, các thành viên của nhóm đã có nhiều hoạt động quy mô, tác động lớn đến cộng đồng người Thái trong và ngoài tỉnh. Được tham gia buổi họp nhóm “offline” của những thành viên tích cực trang Fanpage tại thị trấn Thuận Châu, các thành viên đều mặc trang phục truyền thống dân tộc, cùng bàn luận sôi nổi các giải pháp để nhóm phát triển, tổ chức “livestream” khèn bè, hát “khắp” đăng trên nhóm Fanpage. Tranh thủ trò chuyện với chàng trai “8x” Lò Văn Bua, bản Lè, xã Tông Cọ (Thuận Châu), là 1 trong 4 quản trị viên sáng lập trang Fanpage, anh cho biết: Trước thực trạng các bạn trẻ người Thái không còn mặn mà với văn hóa dân tộc, mình và một số thành viên đã thành lập ra Fanpage (chủ yếu là 8x, 9x), mục đích để chia sẻ những bài hát, điệu múa, văn hóa dân tộc Thái và tìm kiếm những người bạn có chung sở thích yêu văn hóa Thái. Ngày đầu thành lập chỉ có 5-6 thành viên, dần dần, sau những bài viết nhóm đăng tải, chia sẻ đã thu hút được nhiều người tham gia, đặc biệt, có nhiều nghệ nhân, người cao tuổi nắm giữ vốn văn hóa cổ của dân tộc Thái cũng tham gia. Xuất phát từ đam mê với văn hóa Thái, nhiều nghệ nhân và những người am hiểu về văn hóa Thái thường tổ chức các nhóm chat để “livestream”, vừa giao lưu lại vừa truyền dạy hát khắp, thổi khèn, sáo cho các thành viên có nhu cầu tìm hiểu và học hỏi...

Buổi họp nhóm các thành viên tích cực của trang fanpage “Nhóm yêu văn hóa Thái” thị trấn Thuận Châu.

Để gắn kết thành viên, nhóm đã tổ chức được 2 buổi “offline” vào năm 2018 và 2019 tại Homestay Tiến Quân, bản Bó, phường Chiềng An (Thành phố). Năm đầu tổ chức đã thu hút được 70, 80 thành viên tham gia. Đến nay, nhóm đã có 200 thành viên; trong đó, có cả nghệ nhân các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, nhóm người Thái ở Hà Nội tham gia tổ chức nhiều hoạt động múa, hát Thái và các trò chơi dân gian, tạo không khí sôi động, góp phần quảng bá các trò chơi truyền thống... Không chỉ vậy, nhóm còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, kết nối với nhóm người Thái ở Hà Nội ủng hộ và tham gia từ thiện giúp đỡ đồng bào Thái có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai lũ lụt tại huyện Mường Tè (Lai Châu), Nghĩa Lộ (Yên Bái), Quan Sơn (Thanh Hóa). Đến nay, trang Fanpage của nhóm đã thu hút gần 4.000 thành viên (không chỉ có người Thái mà cả các dân tộc khác có niềm đam mê văn hóa Thái tham gia). Được biết, thời gian tới, nhóm đang có kế hoạch tổ chức hoạt động “offline” góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, như: Mở các lớp dạy chữ Thái, dạy sử dụng nhạc cụ và hát, múa truyền thống dân tộc Thái miễn phí vào những buổi cuối tuần cho những người đam mê văn hóa Thái, đặc biệt là các bạn trẻ... Anh Bua thông tin: Năm nay do dịch COVID-19 nên nhóm vẫn chưa tổ chức được buổi offline; nhiều bạn đã hào hứng hỏi tôi khi nào tổ chức, vì các bạn muốn xòe, muốn “khắp” Thái lắm rồi! Đó chính là động lực để nhóm chúng tôi tiếp tục cố gắng hoạt động và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện về chủ trương và hỗ trợ kinh phí, để nhóm được lập thành CLB bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái, hoạt động theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, giữ gìn và bảo tồn được bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc và thu hút được ngày càng nhiều thành viên tham gia.

Đánh giá về sự lan tỏa tình yêu văn hóa Thái của các bạn trẻ, bà Ngô Thị Hải Yến, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nói: Khi thấy ngày càng nhiều bạn trẻ tâm huyết với văn hóa dân tộc, chúng tôi- những người làm công tác bảo tồn văn hóa rất vui mừng, vì hiện nay, những nghệ nhân dân gian am hiểu về văn hóa Thái không còn nhiều và cũng đã cao tuổi, thì việc các bạn trẻ đã và đang làm sống lại những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái, với nhiều cách làm hiệu quả, rất cần được khuyến khích, nhân rộng.

Với tình yêu, tinh thần trách nhiệm và mong muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, các bạn trẻ trong Nhóm yêu văn hóa Thái như anh Bua, anh Phong, chị Trang và các thành viên đang ngày đêm nỗ lực dưỡng nuôi và lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc trong cộng đồng.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới