Những người lính khoác áo blouse trắng

Làm tròn nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu; phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận y tế, chăm sóc tốt sức khỏe cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu II và là địa chỉ tin cậy của nhân dân trên địa bàn đóng quân... Bệnh viện Quân y 6 đã được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tự hào truyền thống đơn vị Anh hùng LLVT

Ngược dòng lịch sử, tháng 5/1957, tại xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, Viện Quân y 6 được thành lập, với 60 cán bộ, nhân viên, quy mô 100 giường bệnh, với chức năng là bệnh viện tuyến cuối của Quân khu Tây Bắc, có nhiệm vụ thu dung cấp cứu, điều trị cho thương binh, bệnh binh tham gia chiến đấu tiễu phỉ, trừ gian, đánh trả cuộc chiến không quân với đế quốc Mỹ và cử đội quân y cơ động giúp nước bạn Lào. Thời gian đó, hoạt động trong điều kiện nhà tranh, vách nứa, biết bao khó khăn trong việc xây dựng doanh trại; cùng với đó, trang thiết bị y tế chỉ xứng tầm của đội phẫu thuật dã chiến. Có thời điểm, đơn vị đã sử dụng hang đá ở xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn làm phòng mổ để cấp cứu thương binh, tại “phòng mổ” này, đã có hàng trăm bệnh nhân được cứu sống...

Ca phẫu thuật nội soi sỏi thận tại Bệnh viện Quân y 6.

Trên gương mặt Thượng tá Trần Ngọc Quế ánh lên niềm phấn khởi: Những người lính khoác áo blouse trắng ở Bệnh viện quân y 6 luôn tự hào về truyền thống của đơn vị. Nhất là, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng khó khăn và ác liệt, đơn vị đã cấp cứu, điều trị và nuôi dưỡng hàng nghìn lượt thương binh, bệnh binh và đồng bào các dân tộc. Nhiều tổ cơ động của Viện có mặt ở hầu hết các trận địa pháo cao xạ, các cơ quan, xí nghiệp, các xã, bản để cứu chữa thương binh và nhân dân sau mỗi trận máy bay Mỹ ném bom. Đặc biệt, trong trận chiến đấu ngày 28/6/1965, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt tại cầu Tà Vài, huyện Yên Châu, cán bộ, chiến sỹ Viện Quân y 6 đã có mặt kịp thời để cấp cứu các chiến sỹ bị thương nặng. Nhiều cán bộ, chiến sỹ của đơn vị sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, như đồng chí Ngô Xuân Kỳ lấy thân mình che cho đồng đội nên đã bị thương; đồng chí Nguyễn Duy Sơn, lái xe cứu thương băng qua bom đạn để cứu thương binh; các y, bác sỹ: Trần Kỳ, Nguyễn Bách, Lê Sỹ Toàn, Quang Đức Hợp, Trần Văn Khá, Nguyễn Thị Vĩnh... tình nguyện hiến máu cấp cứu thương binh... Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, các đội phẫu thuật của Bệnh viện đã có mặt tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) phối hợp với các đơn vị quân y cơ sở cứu chữa thương binh và nhân dân, giành lại sự sống cho hàng trăm người... 62 năm qua, Bệnh viện Quân y 6 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Đảng, Nhà nước tuyên dương “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, cùng nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các hạng...

Chăm sóc tốt sức khỏe bộ đội và nhân dân thời kỳ đổi mới

Cùng  thượng tá Trần Ngọc Quế đi thăm các khoa của Bệnh viện, chúng tôi nhận thấy, các điều kiện về cơ sở vật chất khá tốt; các trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư cơ bản đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh, như: Máy chụp X.Quang kỹ thuật số in phim khô, máy siêu âm chuyên tim, máy siêu âm màu tổng quát 4D, hệ thống nội soi tai-mũi-họng ống mềm, hệ thống điện não vi tính, máy thở thế hệ mới Carescape R860, máy đo loãng xương... Năm 2019, được giao nhiệm vụ tự chủ tài chính một phần, Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện đã tập trung kiện toàn, sắp xếp điều chỉnh lực lượng; đổi mới quy trình thủ tục hành chính trong khám và điều trị; tiếp thu, chuyển đổi công nghệ mới trong khám, chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân; cử hàng trăm lượt cán bộ tham dự các lớp đào tạo dài hạn, ngắn hạn tại các bệnh viện tuyến trên và Trung ương... nhằm nâng cao chất lượng khám, thu dung điều trị thành công nhiều ca bệnh nhân nặng, hiểm nghèo...Tại hành lang của Khoa Ngoại chuyên khoa, trò chuyện với bà Tòng Thị Đoán, bản Coóng, xã Phổng Lăng (huyện Thuận Châu), được biết, con trai bà hay bị sốt, đau họng, một số người dân trong bản đã từng chữa bệnh tại đây khuyên bà nên đưa con trai về Bệnh viện Quân y 6 để khám và điều trị. Bà Đoán nói: Khi đưa cháu về đây, các bác sỹ chẩn đoán bị viêm amidan mãn tính và tiến hành phẫu thuật. Không riêng con trai tôi mà các bệnh nhân khác cũng đều được các bác sỹ tận tình chữa trị cho khỏi bệnh và còn được hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khỏe tại gia đình. Chúng tôi yên tâm và tin tưởng các bác sỹ khi đến chữa bệnh tại đây.

Bác sỹ Bệnh viện Quân y 6 hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách tự chăm sóc sức khỏe.

Bệnh viện Quân y 6 đã tạo được niềm tin và uy tín với nhân dân trên địa bàn đơn vị đứng chân. Theo đồng chí Chủ nhiệm chính trị Bệnh viện, niềm tin ấy được xuất phát từ trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao và sự tận tâm, trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc. Để có được kết quả đó, đơn vị thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền để chữa trị bệnh. Hiện nay, đơn vị có 14  khoa, ban, với gần 100 cán bộ, chiến sỹ (23 bác sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II). Trong hoạt động, các khoa thường xuyên tổ chức giao ban chuyên môn bình bệnh án, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Đơn vị còn khuyến khích, động viên các thầy thuốc nghiên cứu đề tài khoa học và áp dụng tiến bộ y học vào thực tế khám, chữa bệnh. Từ ngày thành lập đến nay, các y, bác sỹ, điều dưỡng viên của đơn vị đã nghiên cứu hàng trăm đề tài khoa học các cấp, nhiều đề tài được áp dụng vào thực tế điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, Đề tài “Đánh giá kết quả bước đầu áp dụng phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang trong điều trị viêm đa xoang mãn tính tại Bệnh viện Quân y 6” của bác sỹ Trần Thị Thùy Lan, Khoa Ngoại chuyên khoa đã đoạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sơn La năm 2015 và giải B Quân khu II năm 2016. Năm 2018, sáng kiến “Cải tiến bàn tiếp dụng cụ phẫu thuật trong luyện tập đội phẫu và thực hành phẫu thuật của Đội Phẫu thuật cứu chữa cơ bản” của điều dưỡng Hoàng Mạnh Hưng đã đoạt giải A cấp Quân khu. Sáng kiến “Cải tiến khung kéo liên tục trực tiếp điều trị gãy xương chi dưới tại Khoa Ngoại chung - Bệnh viện Quân y 6” của điều dưỡng Trịnh Văn Sửu đoạt giải B cấp Quân khu...

Sự tận tâm, nhiệt huyết trong “trị bệnh cứu người”, cũng như làm chủ kỹ thuật y học tiên tiến của những người lính khoác áo blouse trắng đã điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, ca bệnh khó, hiểm nghèo, như: Điều trị gãy xương bằng phương pháp kết xương bên trong, chuyển vạt da cơ cuống liền và ghép da tự thân điều trị khuyết hổng phần mềm vùng cẳng, cổ, bàn chân; phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện đơn cực gây mê nội khí quản, điều trị suy tim độ III, IV, xơ gan mất bù; xuất huyết tiêu hóa... Tâm sự với chúng tôi về nhiệm vụ của người bác sỹ quân y, bác sỹ Trần Thị Thùy Lan, Chủ nhiệm Khoa Ngoại chuyên khoa (Bệnh viện Quân y 6) chia sẻ: Tôi và đồng đội luôn phấn đấu chăm sóc tốt sức khỏe cho bộ đội, góp phần bảo đảm quân số khỏe, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi còn thực hiện khám, điều trị cho bệnh nhân là nhân dân trên địa bàn đóng quân. Tôi không nhớ là đã trực tiếp và tham gia phẫu thuật cho bao nhiêu trường hợp bệnh nhân, song có ca bệnh mà tôi nhớ mãi, đó là trường hợp của bệnh nhân Lò Văn Tển, xã Chiềng Sơ (Sông Mã) bị viêm đa xoang mãn tính gần chục năm, không thở được bằng mũi mà chỉ thở bằng miệng, nguyên nhân là do viêm mạc mũi xoang thoái hóa đã bịt kín hai hốc mũi. Sau phẫu thuật và tháo băng gạc, bệnh nhân thở được bằng mũi. Quá phấn khởi, ông Tển chạy khắp Bệnh viện hít thở không khí, đi đến đâu ông cũng khoe: “Tôi thở được bằng mũi rồi, tôi ngửi được các loại mùi rồi...”. Niềm vui của bệnh nhân đã tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.

Bác sỹ Bệnh viện Quân y 6 kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân là bộ đội.

Nói về thực hiện nhiệm vụ “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn với thực hiện chương trình kết hợp quân dân y và hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, Thượng tá Trần Ngọc Quế, cho biết: Hằng năm, Bệnh viện cử các tổ công tác về các xã thuộc các huyện: Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La, Mộc Châu, Thuận Châu, Mai Sơn và một số xã ở tỉnh Điện Biên, Lai Châu để khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, trị giá hàng tỷ đồng. Năm 2019, được UBND tỉnh Sơn La giao nhiệm vụ giúp đỡ xã Nậm Mằn (Sông Mã), Bệnh viện tổ chức đoàn cán bộ tìm hiểu tình hình kinh tế, xã hội của xã, xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể, thiết thực. Trước mắt, giúp đỡ Trạm Y tế xã xây dựng nhà điều trị cho bệnh nhân, đầu tư các trang thiết bị y tế; ủng hộ quần áo, các vật dụng khác cho nhân dân trong xã. Trong các chuyến công tác về cơ sở, đoàn cán bộ của đơn vị còn kết hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho nhân dân; hướng dẫn bà con cách tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, làm tăng thêm tình quân dân gắn bó mật thiết...

Được gặp gỡ, được trò chuyện và chứng kiến những việc làm của những người lính khoác áo blouse trắng ở Bệnh viện Quân y 6, chúng tôi thêm tin yêu, mến phục những người lính đã và đang phấn đấu là “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng, hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh” và họ luôn “Đoàn kết kiên trung, tận tình phục vụ, tự cường vượt khó, ham học trưởng thành” để xây dựng Bệnh viện văn minh, hiện đại, chăm sóc, bảo đảm tốt sức khỏe bộ đội và nhân dân trong khu vực, xứng đáng với truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới