Những người kể chuyện lịch sử

Trên quê hương Sơn La Anh hùng có nhiều di tích lịch sử về một thời hào hùng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Đền thờ Vua Lê Thái Tông; Khu di tích cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô; Ngã ba Cò Nòi... Những câu chuyện lịch sử về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước đã được những thuyết minh viên truyền tải với nhiều cảm xúc đến du khách thập phương, thắp sáng thêm ngọn lửa truyền thống cách mạng bất diệt.

 

 

Khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

 

Đã nhiều lần tôi đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, mỗi lần đến lại có thêm cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần anh dũng, trung kiên của các chiến sỹ cộng sản từng bị giam cầm nơi đây qua những lời kể của thuyết minh viên. Lần này cũng vậy, hòa vào dòng người vào thăm Nhà tù Sơn La vào giáp Tết Canh Tý, những câu chuyện lịch sử cách đây 8-9 thập kỷ dường như được tái hiện qua những hình ảnh, giọng kể và những dấu tích lịch sử để lại trên từng bức tường đá xà lim, chiếc cùm sắt. Theo lời của chị thuyết minh viên: Năm 1908, thực dân Pháp xây dựng Nhà tù Sơn La chủ yếu để giam cầm thường phạm. Nhưng sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ngày càng dâng cao, thực dân Pháp đã mở rộng nhà tù và biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người chiến sỹ cộng sản. Nhưng chúng đã nhầm, chính nơi đây, khí tiết của người cộng sản đã tỏa sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc. Nơi đây trở thành trường học cách mạng vĩ đại rèn luyện, bổ sung cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam những chiến sỹ cộng sản xuất sắc như các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ...

 

Mỗi một dấu tích trong Nhà tù Sơn La là một câu chuyện lịch sử khác nhau đã được các chị truyền tải bằng giọng truyền cảm tới du khách. Qua mỗi câu chuyện không chỉ khiến du khách xúc động mà trên gương mặt hướng dẫn viên cũng bộc lộ rõ những cảm xúc bồi hồi: “...Một ngày tù nhân chỉ còn một nắm cơm nếp nhão, lẫn cả trấu và sạn, ăn với muối trắng hoặc canh rau muống già nấu suông... Mỗi năm, tù nhân được phát một manh chiếu, một bộ quần áo bằng vải thô, một chăn chiên mỏng dính không đủ để chống chọi với cái rét buốt lạnh của miền rừng núi... Nơi giam cầm còn tồi tệ hơn, ngày nóng như thiêu, như đốt, đêm lạnh thấu xương thịt... Nhiều đồng chí đã mắc những căn bệnh hiểm nghèo như ho lao, kiết lỵ, thương hàn... và nhiều tù nhân đã gửi xác tại nghĩa địa Gốc Ổi...”.

 

Và nơi đây, các chiến sỹ cộng sản xuất bản tờ báo “Suối Reo”, với số báo đầu tiên phát hành vào tháng 5/1941 - tờ Báo là món ăn tinh thần, cổ vũ, động viên rất lớn đối với các chiến sỹ trong Nhà tù Sơn La... Đồng chí Xuân Thủy đã viết 4 câu thơ làm lời tựa: “Thu sang hoa cỏ già rồi/Suối reo lên để cho đời trẻ trung/Thu sang non nước lạnh lùng/Suối reo lên để cho lòng ta reo”.

 

Khác với những lần trước, sau khi tham quan Nhà tù Sơn La, tôi đã nán lại trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hồng Phương, người đã có hơn 20 năm công tác tại Bảo tàng tỉnh, trong đó hơn 10 năm làm thuyết minh viên. Chia sẻ về nghề, chị Phương tâm sự: Để những câu chuyện về các tù chính trị tại Nhà tù Sơn La được truyền tải chân thực và hấp dẫn khách du lịch, các thuyết minh viên được đơn vị tạo điều kiện cho đi học tập nâng cao kỹ năng thuyết minh, đặc biệt là cách truyền đạt cảm xúc. Hiện nay, Nhà tù Sơn La có 8 thuyết minh viên, nhiều chị có thâm niên nghề hàng chục năm. Trung bình mỗi năm, chúng tôi đã thuyết minh cho gần 1.000 đoàn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan. Tất cả chúng tôi đều luôn cố gắng truyền tải đến du khách những câu chuyện lịch sử chân thực và hấp dẫn.

 

Trong những năm làm thuyết minh viên, có một kỷ niệm chị Phương luôn nhớ đó là được gặp cụ Nguyễn Văn Trân - một trong bốn tù chính trị thực hiện cuộc vượt ngục thành công vào năm 1943. Chị Phương bùi ngùi: Một ngày của mùa hè năm 2002, tôi thuyết minh cho một đoàn khách khoảng 20 người đến tham quan Nhà tù, trong đó có hai cụ già rất chăm chú lắng nghe tôi thuyết minh, thi thoảng cụ ông nói nhỏ với cụ bà điều gì đó. Khi thuyết minh về cuộc vượt ngục vào tháng 8/1943 do Chi bộ Nhà tù Sơn La tổ chức, cụ ông bước đến gần phía tôi và nói: Tôi chính là Nguyễn Văn Trân, một trong bốn tù chính trị vượt ngục năm xưa. Khoảnh khắc đó không chỉ riêng tôi mà tất cả những người khác trong đoàn đều ngỡ ngàng và xúc động, bởi được gặp nhân chứng lịch sử.

 

Hôm đó, cụ Trân đã kể cho mọi người nghe về những cái tết của tù chính trị bị giam ở Nhà ngục Sơn La, đáng nhớ nhất là cái tết năm 1942. Đó là tết mà các chiến sỹ cách mạng được cai ngục cho phép tổ chức đón năm mới. Câu đối tết năm đó: “Hẹn với non sông đưa mới lại/Mở toang cửa ngục đón xuân vào” của đồng chí Huy Liệu được treo ở cửa ra vào của trại giam lớn... Sau câu chuyện, cụ Trân căn dặn chị Phương cố gắng trong công việc để truyền tải đến du khách hiểu giá trị quan trọng của Nhà tù Sơn La; để thế hệ trẻ tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước.

 

Đầu xuân với các thuyết minh viên ở Nhà tù Sơn La, chúng tôi cảm nhận thêm những đóng góp thầm lặng của họ khi truyền tải đến du khách những câu chuyện về lịch sử, để mỗi người dân đất Việt thêm tự hào về truyền thống bất khuất, kiên cường của cha anh, thêm niềm tin son sắt vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, đưa đất nước vững bước đi lên.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới