Những cánh én mùa xuân

Mỗi khi xuân về, nhân viên bưu tá của ngành Bưu điện được ví như những “cánh én mùa xuân”. Bởi, mặc nắng, mặc mưa, bước chân của họ vẫn rảo khắp nẻo đường, sao cho hành trình của những cánh thư, những tờ báo, những gói bưu phẩm... đến tay người nhận nhanh nhất, mang niềm vui đến cho mọi nhà.

Nhân viên bưu tá của ngành Bưu điện sắp xếp, phân loại thư báo, bưu phẩm.

Ngày giáp Tết, như đã hẹn trước, chúng tôi có mặt tại Bưu điện tỉnh, anh Phùng Đắc Hùng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh đón và trực tiếp đưa chúng tôi xuống Trung tâm Khai thác vận chuyển (Bưu điện tỉnh) để nhà báo cảm nhận sâu sắc hơn về “nghề bưu tá”. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bước chân vào Trung tâm vận chuyển, chính là những kiện hàng bày la liệt và một núi báo, thư cao ngất ngưởng, phải lách người khéo léo qua những kiện hàng, chúng tôi mới vào được bên trong phòng làm việc của Trung tâm. Các bưu tá đang cặm cụi, miệt mài sắp xếp, phân loại ấn phẩm, báo chí, công văn, thư tín... theo từng địa chỉ, từng đường thư mà họ phụ trách.

Dừng tay làm việc cùng nhân viên, anh Vũ Văn Toản, Giám đốc Trung tâm Khai thác vận chuyển, vui vẻ nói: Mỗi khi Tết đến xuân về, ở Trung tâm, lãnh đạo cũng như nhân viên “mỗi người làm việc bằng hai” để thư, báo, bưu phẩm được chuyển đến đúng địa chỉ nhanh nhất. Đưa cho tôi xem cuốn sổ ghi chi tiết, rõ ràng những điểm dừng trên tuyến, anh Toản giải thích: Để tránh sai sót, tránh bỏ sót thư, báo và bưu gửi, đơn vị chúng tôi phải ghi chép cụ thể như thế này. Bên cạnh đó, để lựa chọn được tuyến đường đi chuyển phát ngắn.

Nhìn những thùng sắt đẹp, an toàn được in logo nhận diện thương hiệu Bưu điện Việt Nam đựng đầy thư báo, bưu phẩm, tôi e ngại: Trong một buổi sáng làm sao các chị có thể phát hết? Chị Quàng Thị Xoan, làm nghề bưu tá đã hơn 10 năm của Trung tâm Khai thác vận chuyển, khẳng định: Những ngày thường, chúng tôi luôn phát hết trước 11 giờ để đầu giờ chiều còn đến nhận thư báo phát tiếp đợt 2. Những ngày Tết cận kề, năm nào chúng tôi cũng làm thêm ca, để tất cả bưu phẩm đều đến được địa chỉ của người nhận. Có khi trong ngày, một bưu tá phải đi trên 300 điểm dừng và trở về nhà khi đường phố đã sáng đèn. Mệt, nhưng ai nấy đều vui vì biết rằng đó là những lá thư, những món quà từ nơi xa gửi về cho người thân, chất chứa bao tình cảm mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Công việc của những bưu tá ở Thành phố là vậy, nhưng với những bưu tá vùng cao, công việc của họ lại càng khó khăn, vất vả hơn gấp bội. Để hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi họ phải quyết tâm, tận tình, trung thực và chịu khó. Anh Đỗ Hà Nam, Giám đốc Bưu điện huyện Phù Yên, cho biết: Trong hoạt động của Bưu điện thì công tác vận chuyển bưu phẩm, công văn và thư báo từ huyện về cơ sở gặp nhiều khó khăn nhất, thế nhưng đây lại là nhiệm vụ được thực hiện đạt kết quả tốt. Huyện Phù Yên có 27 xã, trong đó có những xã xa trung tâm đến sáu, bảy mươi cây số, không những thế, đường lại khó đi, nhất là vào những ngày trời mưa, đường trơn lầy lội. Dù vậy, đội ngũ những người bưu tá vận chuyển thư báo vẫn nhiệt tình, hăng say với công việc, đều đặn mỗi ngày một chuyến công văn, thư báo từ huyện về cơ sở. Anh Đinh Văn Nhất, cán bộ vận chuyển công văn, thư báo xã Đá Đỏ tâm sự: Là xã xa trung tâm huyện nhất nằm ở vùng dọc sông, đường đi lại vô cùng khó khăn, nhất là những khi trời mưa, đường trơn lầy lội. Nhớ đợt mưa lũ xảy ra trên địa bàn hồi tháng 8/2018, tôi đi đưa thư, báo có đoạn phải đi bộ, đường trơn như mỡ, cõng trên lưng túi thư báo nặng, phải lần từng bước, từng bước một. Mỗi bước đi là một lần bấm sâu 10 ngón chân xuống đất, đá để có thể đứng vững. Khi lên đến đỉnh dốc, ngồi nghỉ mà chỉ thở bằng mũi cho khỏi bị rát họng và giữ được sức. Lúc xuống dốc, phải quay lưng lại mà lùi từng bước một để tránh bị ngã nhào. Tuy vậy, những bưu tá chúng tôi vẫn đảm bảo tốt nhiệm vụ được giao, chuyển công văn giấy tờ, thư báo từ huyện xuống xã đảm bảo không thất lạc.

Đi nhiều, tiếp xúc với nhiều gia đình, nên các bưu tá gần như biết rõ từng ngôi nhà, từng con ngõ, từng cung đường mà mình phụ trách. Tuy vất vả, nhưng sự miệt mài và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của những bưu tá đã đem lại cho mỗi địa chỉ từ cơ quan đến từng người dân những nguồn thông tin quan trọng hay chỉ đơn giản là chất chứa niềm vui và chia sẻ nỗi buồn trong mỗi cánh thư.

Xin được lấy câu nói của chị Quàng Thị Xoan thay cho lời kết: “Làm nghề bưu tá thời @ luôn áp lực, nhưng niềm vui được nhận lại chính là niềm tin của khách hàng dành cho nghề bưu tá”. Xuân mới đã gõ cửa, xin chúc cho những “Cánh én mùa xuân” thật nhiều sức khỏe để kịp mang thông tin đến cho mọi nhà!

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới