Nhiều mô hình khuyến nông thiết thực, hiệu quả

Thực hiện phân công của UBND tỉnh về giúp đỡ xã Chiềng Pha (Thuận Châu), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế hiệu quả đóng góp vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Bà Cầm Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Triển khai hỗ trợ, giúp đỡ xã Chiềng Pha, Trung tâm đã phân công một đồng chí trong Ban giám đốc phụ trách, giao Phòng Kỹ thuật làm đầu mối liên hệ với xã, thường xuyên nắm bắt nguyện vọng của người dân. Mục đích “trao cần câu, không trao cá”, Trung tâm đã khảo sát, lựa chọn hỗ trợ các mô hình khuyến nông phù hợp với từng vùng. Hằng năm, lồng ghép nguồn vốn của các dự án để triển khai hỗ trợ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng những mô hình khuyến nông hiệu quả, phù hợp...

           

Trong 4 năm giúp đỡ xã Chiềng Pha, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ triển khai được 5 mô hình khuyến nông trên địa bàn xã, gồm: Mô hình “Thâm canh cà phê bền vững”; mô hình “Nuôi vịt sinh sản”; mô hình “Trồng thâm canh cây Mắc ca bằng giống tiến bộ kỹ thuật”; mô hình “Trồng thâm canh cây thanh long ruột đỏ gắn với hệ thống tưới ẩm và liên kết tiêu thụ sản phẩm”; mô hình “Sản xuất rau kết hợp nuôi gà thịt an toàn sinh học” với tổng kinh phí hỗ trợ trên 965 triệu đồng, với gần 100 hộ hưởng lợi trực tiếp từ các dự án, chương trình và mô hình khuyến nông. Ngoài ra, Chi đoàn Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Đoàn xã Chiềng Pha tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật ủ thức ăn cho gia súc và kỹ thuật chăn nuôi cơ bản cho các đoàn viên. Hằng năm, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn dịp lễ Tết.

           

Cây cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, mũi nhọn của xã Chiềng Pha. Năm 2017, do chăm sóc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, năng suất, chất lượng của cà phê thấp, trung bình chỉ đạt 8 tấn/ha. Năm 2018, để cải thiện năng suất, chất lượng cà phê, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình “Thâm canh cà phê bền vững”, quy mô 5 ha, với 10 hộ bản Hưng Nhân tham gia.

           

Ông Nguyễn Văn Chiến, bản Hưng Nhân chia sẻ: Từ những năm 90 của thế kỷ trước, cây cà phê đã gắn bó và trở thành nguồn thu nhập kinh tế chính của nhiều gia đình. Canh tác tuy lâu năm, nhưng chủ yếu dựa vào theo kinh nghiệm nên năng suất, chất lượng cà phê không ổn định. Từ khi tham gia mô hình “Thâm canh cà phê bền vững” do Khuyến nông tỉnh triển khai, tôi nắm rõ quy trình trồng, chăm sóc cà phê an toàn, dần chuyển đổi sang sản xuất cà phê hữu cơ, áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật nên chất lượng cà phê không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2017, năng suất cà phê chỉ đạt 12 tấn/ha, đến nay, năng suất đã tăng thêm 6 tấn/ha. Năm 2021, với 1,2 ha cà phê cho thu hoạch, sản lượng đạt 22 tấn/ha, giá bán trung bình đạt 12.000 đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí gia đình thu lãi gần 200 triệu đồng.

 

Mô hình trồng thâm canh cây mắc ca xen vườn cà phê tại bản Ta Khoang, xã Chiềng Pha (Thuận Châu).

           

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn hỗ trợ triển khai các mô hình phát triển cây trồng mới, phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, mở ra hướng đi phát triển kinh tế mới cho bà con Chiềng Pha. Năm 2020, lồng ghép vốn chương trình Khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã khảo sát, thực hiện Dự án xây dựng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật tại các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên. Riêng tại xã Chiềng Pha, dự án đã triển khai 8 ha, với 16 hộ bản Ta Khoang tham gia. Dự án hỗ trợ 100% giống, vật tư phân bón và tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca cho nông dân, tổng kinh phí hỗ trợ gần 110 triệu đồng. Hiện nay, mô hình trồng cây mắc ca phát triển tốt, ít sâu bệnh hại.

           

Anh Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, bày tỏ: Thông qua chuyển giao khoa học kỹ thuật, các mô hình khuyến nông đã giúp bà con xã Chiềng Pha dần thay đổi tập quán, phương thức canh tác lạc hậu, truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, hiệu quả. Các hộ được tiếp cận mô hình khuyến nông không chỉ áp dụng sản xuất tại gia đình mà còn tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ khác cùng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Hiện, các hộ nông dân hầu hết đều đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất tập trung, bao tiêu sản phẩm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm còn 24,2%, giảm một nửa so với năm 2017.

           

Với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân ở xã Chiềng Pha, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã và đang giúp người dân nơi đây thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới