Nhãn trái vụ ở Sông Mã

Hai hộ dân ở huyện Sông Mã đã áp dụng thành công kỹ thuật trồng nhãn trái vụ để thu hoạch vào đúng dịp giáp Tết Nguyên đán vừa qua, đem lại thu nhập cao, được nhiều người dân trên địa bàn quan tâm.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sông Mã trao đổi kỹ thuật trồng nhãn trái vụ với người dân xã Nà Nghịu.

Theo giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chúng tôi tìm đến khu vườn của gia đình chị Nguyễn Thị Thuần, ở bản Nà Nghịu, xã Nà Nghịu. Tại khu vườn rộng khoảng hơn 3.000 m², những cây nhãn trên 10 năm tuổi cao to, đều trĩu quả, phía dưới xen lẫn những cây táo cũng đang vụ thu hoạch. Chị Thuần dẫn chúng tôi đi thăm vườn nhãn để giới thiệu và mời thưởng thức những chùm nhãn chín mọng, quả to, đặc biệt là hương vị rất thơm ngọt, chị bảo: Đây là giống nhãn T6 của Đại Thành (Hà Nội), giống nhãn này rất hợp với điều kiện khí hậu cũng như chất đất của huyện Sông Mã. Đặc biệt, chỉ có giống nhãn này mới lai ghép và cho thu hoạch trái vụ được nên quả to, cùi dày, ăn có vị thơm ngon, đây là năm đầu tiên tôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho cây thu hoạch trái vụ, ước tính năm nay, gia đình tôi thu được khoảng trên 1,5 tấn, trước Tết bán với giá 60 nghìn đồng/kg, cao gấp 6 lần so với chính vụ, mà cũng không đủ bán, vì nhãn trái vụ giáp Tết được coi là hàng quý hiếm. Vụ nhãn trái mùa này, gia đình tôi thu cũng được trên 100 triệu đồng, đủ mua sắm và chi phí cho một cái Tết sung túc.

Do nhãn chính vụ phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năm thuận lợi thì năng suất cao và thường đi đôi với giá cả bấp bênh, không ổn định. Nhiều năm băn khoăn với vấn đề này, vì vậy chị Thuận đã tìm hiểu kỹ thuật trồng và cách chăm sóc cây nhãn trái vụ ở nhiều nơi khác, để về áp dụng tại vườn nhãn của gia đình, cho ra quả trái vụ theo ý muốn. Theo chị Thuần, cây nhãn nào cũng sẽ ra hoa và kết trái một lần trong năm, nhưng thường ra hoa vào mùa xuân (tức cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch), đây là thời điểm nhãn chính vụ đã bắt đầu ra hoa. Muốn cây nhãn ra hoa muộn và đậu quả trái vụ, chị dùng biện pháp khoanh vỏ thân cây, cành vào thời điểm thích hợp, để làm sao cho cây nhãn ra hoa muộn hơn so với nhãn chính vụ. Để tiếp tục chăm sóc cho cây phát triển, phòng trừ các loại sâu bệnh để cây ra hoa và đậu quả muộn hơn từ 3 đến 4 tháng so với chính vụ sẽ phải đào sâu xung quanh gốc khoảng 20 cm, rộng chừng 1,5 m đến 2 m, rồi bón các loại phân chuồng, khối lượng khoảng 40 kg phân/gốc. Đến đầu tháng 9, khi cây đâm chồi nhiều, thì dùng kali tinh chất (KClO3) tưới với nồng độ vừa phải và phun chế phẩm HPC-B97 để cây ra hoa. Sau khi đậu quả, bón thúc thêm phân lân NPK để nuôi cây, đảm bảo cho quả nhãn và chất lượng quả không đổi so với quả nhãn ra chính vụ. Ngoài ra, việc theo dõi, chăm sóc nhằm phát hiện các bệnh rệp sáp, bọ xít, gỉ sắt cần phải được tiến hành thường xuyên để kịp thời có phương án phun thuốc phòng, chống phù hợp. Khi quả nhãn bắt đầu có vị ngọt, thì dùng lưới mắt nhỏ thông thoáng phủ lại, đảm bảo lá và quả vẫn có thể quang hợp ánh sáng và ngăn chặn con dơi, con chim đến ăn và phá hoại...

Ông Lương Văn Vịnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngoài vườn nhãn của gia đình chị Thuần, tại bản Hát 8, xã Mường Hung còn có vườn nhãn trái vụ của gia đình anh Vũ Văn Liên, cũng đã đem lại thành công bước đầu; vụ nhãn vừa qua, gia đình anh đã thu hoạch trên một tấn quả tươi, bán với giá 60 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt hơn 70 triệu đồng. Nhìn chung, nhãn cho thu hoạch trái vụ quả to, đều, đã được các ngành chức năng lấy mẫu kiểm tra, đảm bảo chất lượng, quả nhãn ngọt, thơm, không khác là bao so với quả nhãn chính vụ. Đặc biệt, nấm bệnh và các loại thuốc tồn dư trên quả rất ít, hầu như không có. Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch thấp, có thể bảo quản tự nhiên được dài ngày hơn do thời tiết lạnh, hanh khô, giá nhãn cũng cao hơn nhiều so với nhãn chính vụ. Đây là cách làm mới, nhiều nông dân trên địa bàn đã đến tham quan, học tập; là mô hình cần được nhân rộng nhằm đa dạng cây trồng, đồng thời, thay thế dần một số cây trồng kém hiệu quả, sang trồng những cây mang tính chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích người dân, từng bước đầu tư mạnh về vốn, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, tìm hiểu, nghiên cứu tốt thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch cho thị trường.

Với cách làm sáng tạo, chịu khó tìm tòi đã đem lại thành công trong áp dụng kỹ thuật trồng nhãn cho quả trái vụ ở Sông Mã, đây là cơ hội rất lớn cho các gia đình trồng nhãn kéo dài mùa vụ thu hoạch, góp phần đẩy mạnh trong chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới