Nhân rộng điểm bán hàng Việt

Triển khai từ năm 2015, đến nay, Sở Công Thương đã khảo sát và lựa chọn xây dựng được 7 điểm bán hàng Việt tại Thành phố và các huyện: Mộc Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, Sông Mã. Việc xây dựng điểm bán hàng Việt là một trong những kênh quan trọng trong việc phân phối, đưa hàng Việt trực tiếp đến người tiêu dùng, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Người dân mua sắm tại điểm bán hàng Việt tổ 1, phường Chiềng Sinh (Thành phố).

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước tham gia và được người tiêu dùng đón nhận. Tại tỉnh ta, hưởng ứng Cuộc vận động, nhiều điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” được xây dựng đem lại ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân.

Mục tiêu hướng đến năm 2020, sẽ tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam; 100% doanh nghiệp trong tỉnh biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; thị phần hàng Việt Nam chiếm trên 80% tại các kênh phân phối; 100% các xã, phường, thị trấn, có điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Là một trong những điểm bán hàng được xây dựng đầu tiên của tỉnh tại tổ 1, phường Chiềng Sinh (Thành phố), chị Nguyễn Thu Hà, chủ cửa hàng, cho biết: Tôi đăng ký với Sở Công Thương xây dựng điểm bán hàng Việt Nam từ cuối năm 2015. Xây dựng điểm bán hàng Việt, tôi được hỗ trợ đèn chiếu sáng theo mẫu quy định, hệ thống biển hiệu quảng cáo, được thông tin, giới thiệu trên báo, đài của tỉnh, trang thông tin điện tử của ngành. Đồng thời, được tư vấn các vấn đề liên quan đến kinh doanh, những quy định của pháp luật cần thực hiện đối với hộ kinh doanh. Trước đây, hàng hóa tôi để lung tung, từ ngày xây dựng điểm, hàng hóa được bày lên kệ, ngay ngắn, có niêm yết giá rõ ràng từng loại hàng, thuận tiện cho người tiêu dùng lựa chọn, tôi cũng quản lý được lượng hàng.

Điểm bán hàng Việt ra đời khắc phục những hạn chế trước đây khi hệ thống phân phối hàng Việt chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững và người tiêu dùng chưa phân biệt được giữa hàng Việt chất lượng với hàng hóa trôi nổi trên thị trường. Ở một số điểm bán hàng Việt, ngoài việc bày bán các mặt hàng tạp hóa thiết yếu, các cửa hàng còn tăng cường thêm những đặc sản nổi tiếng của địa phương, như: dâu tây, mật ong rừng, phấn hoa, chè, miến dong, hoa quả... Qua đó, góp phần phát triển hệ thống phân phối, quảng bá các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương tới các du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, đây cũng là đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị tìm kiếm khách hàng để liên kết, hợp tác kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam bền vững.  Bà Phạm Thị Lan Hương, Phó phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Ngay khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương về xây dựng các điểm bán hàng Việt, Sở Công Thương đã có công văn tới các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh kêu gọi đăng ký tham gia; tiến hành khảo sát, điều tra thực tế về cơ sở vật chất, nhu cầu tiêu thụ, trong đó, tập trung khảo sát tại các điểm ở khu vực chợ vùng nông thôn, khu tập trung dân cư. Theo hướng dẫn của ngành chức năng, điểm bán hàng được chọn xây dựng phải đáp ứng đủ các tiêu chí: diện tích tối thiểu của cửa hàng đạt 60 m2 trở lên; hàng hóa được trưng bày theo kiểu cửa hàng tiện ích, phân theo từng loại hàng, nhóm hàng đảm bảo các yêu cầu về thuận tiện, văn minh, có biển hiệu (theo ma két hướng dẫn của Bộ Công Thương). Nếu điểm bán hàng Việt được đặt trong siêu thị, hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp có quy mô lớn thì phải được bố trí thành khu riêng biệt để dễ nhận biết. Hàng hóa kinh doanh trong điểm bán hàng phải là 100% hàng hóa được sản xuất trong nước, đảm bảo đúng, đầy đủ điều kiện đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật và phải kinh doanh tối thiểu từ 10 mặt hàng trở lên. Tuy nhiên, việc lựa chọn các địa điểm để xây dựng điểm bán hàng Việt còn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do các xã, thị trấn chưa phát triển hệ thống kênh phân phối uy tín, chưa chọn được cửa hàng phù hợp để xây dựng điểm bán hàng Việt. Các chủ cửa hàng còn băn khoăn về những cam kết khi phải bán 100% hàng hóa được sản xuất trong nước tại cửa hàng mình Cùng với đó, hàng hóa có nhiều chủng loại, chủ cửa hàng rất khó giám sát về chất lượng để thực hiện đúng các quy định về nhãn mác, niêm yết giá theo quy định.

Năm 2017, tỉnh ta đặt ra mục tiêu xây dựng từ 16 đến 18 điểm bán hàng Việt tại các huyện, thành phố. Để hoàn thành mục tiêu và đảm bảo các tiêu chí mà Bộ Công Thương đề ra, rất cần sự quan tâm vào cuộc của các huyện, thành phố trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Đồng thời, tập trung tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa quan trọng của mô hình điểm bán hàng Việt Nam để chủ hộ kinh doanh cũng như người dân ủng hộ việc xây dựng và nhân rộng mô hình.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới